Quận Thanh Xuân Nhân rộng mô hình bắt chó thả rông

Hà Nội với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu chung cư với số lượng dân đông cùng với đời sống kinh tế phát triển thì người dân chú ý hơn trong việc nuôi con vật cảnh trong gia đình. Vừa tạo cân bằng hệ sinh thái trong môi trường sống cùng với các loại cây xanh trong gia đình, vừa là thú vui của mọi người với động vật. Chó, mèo là một loài động vật gần gũi với con người, đặc biệt đây là loài vật có đặc tính thông minh có tình cảm với con người so với các loài động vật khác. Thời gian qua số lượng chó mèo trên địa bàn Thành phố tăng nhanh, nhất là chó cảnh, thú cảnh ở các khu đô thị, khu chung cư. Tuy nhiên bên cạnh cái được, kẻ thù lớn nhất của loài chó lại là hiểm họa gây bệnh Dại có thể làm tử vong cho con người. Với loài chó giữ, chó có trọng lượng lớn (vài chục kg) còn rất hay gây tai nạn, gây thương tích cho con người nhất là người già, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em. Trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã không ít trường hợp chó giữ tấn công người gây thương tích, thậm trí gây tử vong.

Để hạn chế thấp nhất những rủi ro do chó mèo gây ra, thời gian qua Quận Thanh Xuân đã tăng cường công tác quản lý chó nuôi trên địa bàn quận, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó trong diện tiêm thì phải kể đến một hoạt động thí điểm thành lập tổ bắt giữ chó thả rông tại Phường Khương Đình để nhân rộng. Trước hết thực hiện việc thành lập tổ bắt giữ chó (khoảng 7 người/tổ) gồm các thành viên của tổ bảo vệ, an ninh phường, chọn cử những người có kinh nghiệm, bắt giữ chó mèo, người đã tham gia các hoạt động tiêm phòng chó mèo hàng năm, người có sức khỏe để tham gia công việc mang tính đặc thù này. Ban đầu tổ bắt giữ chó thực hiện với thời gian 2 – 3 lần/tuần, vừa đi bắt giữ chó vừa làm công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu được các quy định của pháp luật khi nuôi chó, đồng thời bắt giữ những chó thả rông để xử lý vi phạm.

Cái được lớn nhất sau thời gian triển khai thực hiện là tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức khi đã nuôi chó là phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đó là phải khai báo với chính quyền địa phương để làm công tác quản lý, phải thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin dại, khi mang chó ra nơi công cộng phải có người dắt, có rọ mõm để chó không tấn công người khác, không làm mất vệ sinh môi trường, gây ồn trong khu vực dân cư khi nuôi chó. Trường hợp để chó tấn công người gây thương tích (thậm trí tử vong) phải chịu mọi phí tổn đối với người bị chó tấn công.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó đã mang tính răn đe đối với nhiều người chăn nuôi. Số lượng xử lý tuy không lớn (khoảng 700 ngàn đồng/hộ/vụ vi phạm) song mang tính lan tỏa với người dân, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ cao. Bản thân hộ chăn nuôi cũng tuân thủ việc chấp hành vi phạm hành chính khi vi phạm, chính từ đây cũng đã có tác dụng lan tỏa cho mọi người chăn nuôi trong khu vực.

Sau khi đánh giá kinh nghiệm mô hình “ Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh Dại” tại phường Khương Đình, UBND quận lựa chọn tiếp 5 phường, trước hết tập trung ở các phường có tổng đàn chó mèo lớn, nơi có tình trạng chó thả rông nhiều, gây bức xúc, có nhiều ý kiến phản ánh trong nhân dân (gồm phường Hạ Đình, Thượng Đình, Khương Trung, Nhân Chính, Kim Giang …). Quận chỉ đạo thành lập tiếp 5 Đội bắt chó thả rông tại các phường trên, năm 2020 sẽ thành lập tại các phường còn lại hoặc thành lập các Đội liên phường; UBND quận xây dựng kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt việc bắt và xử lý chó thả rông trên địa bàn quận Thanh Xuân, giao Trạm Chăn nuôi & Thú y tập huấn kỹ năng bắt chó cho thành viên các Đội xung kích, xây dựng quy trình để hướng dẫn UBND các phường tổ chức bắt và xử lý chó thả rông đúng quy định, các điều kiện và dụng cụ phục vụ bắt chó, xử lý chó sau khi bắt về, địa điểm lưu giữ, thời gian lưu giữ, quy trình chuyển giao cho chủ vật nuôi đến nhận và quy trình xử lý những trường hợp chó vô chủ. Các Đội bắt giữ chó thả rông được quận cấp, hỗ trợ trang bị dụng cụ để bắt chó (chuồng, vợt…); hỗ trợ kinh phí công đi bắt chó cho các thành viên;

Để làm tốt nội dung này Quận đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền từ quận đến các phường, nội dung truyền thông đi sâu về các quy định nuôi chó trong khu dân cư, chế tài xử phạt theo Nghị định 90/ 2017/NĐCP của Chính phủ và quy định cụ thể việc bắt và xử lý chó thả rông; gửi thông báo việc bắt chó thả rông đến từng hộ chăn nuôi, phát trên loa truyền thanh của phường và dán thông báo vào bảng tin tổ dân phố, để biển “ Cấm thả rông chó nơi công cộng” tại nơi công cộng, nơi nhiều người qua lại để nhân dân biết, cùng thực hiện, cùng giám sát.

Quận cũng đã lưu tâm khắc phục một số khó khăn tồn tại khi tổ bắt chó thả rông tại phường Khương Đình như việc chăn nuôi chó mèo mang tính nhỏ lẻ trong dân, việc đi bắt giữ chó phải đi sâu vào các ngõ xóm, thời điểm đi bắt vào sáng sớm và chiều tối để đảm bảo hiệu quả. Phương tiện và dụng cụ bắt chó thô sơ tự chế, chi phí nuôi nhốt và chăm sóc chưa được quy định mức chi cụ thể; Những tồn tại này quận đã chỉ đạo các phường để khắc phục nâng cao hiệu quả chuyên môn, phù hợp điều kiện thực tế tại từng phường, từng tổ dân phố. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quận cũng sẽ đi kiểm tra để kịp thời động viên tập thể, cá nhân làm tốt, đôn đốc tháo gỡ khó khăn ở các cơ sở. Đồng thời Quận đã xây dựng Kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên địa bàn quận với mục đích thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2021; Xây dựng được một hệ thống giám sát, quản lý bệnh Dại hiệu quả. Quản lý, kiểm soát tốt biến động đàn chó mèo, phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ xảy ra bệnh Dại; Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp các ngành, nâng cao nhận thức của các hộ nuôi phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định nuôi chó trong khu dân cư, trong vùng an toàn bệnh Dại.

Chắc chắn với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người dân trên địa bàn quận, chắc chắn công tác quản lý chó nuôi phòng chống bệnh Dại trên địa bàn quận Thanh Xuân trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực./.

Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6675
Tổng lượng truy cập: 28234112