Phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Khó khăn, bất cập và những giải pháp tại Hà Nội

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra trên địa bàn Hà Nội, bắt đầu từ ngày 24/2/2019 tại hộ chăn nuôi lợn Rừng thuộc phường Ngọc Thụy (quận Long Biên). Sau hơn 3 tháng, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ thực hiện mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc” Hà Nội đã hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên dịch bệnh quá nguy hiểm, chưa có vác xin phòng, không thuốc điều trị nên đến nay (25/5) dịch bệnh đã lan rộng ra 24/24 quận, huyện có chăn nuôi làm mắc và buộc tiêu hủy với số lượng 206 ngàn con chiếm 11 % tổng đàn lợn toàn Thành phố. Số lượng trên so với một số tỉnh còn thấp hơn nhiều lần như Thái Bình đã tiêu hủy 38 % tổng đàn, Hải Phòng (43 %), Hải Dương (30 %), Quảng Ninh (17 %), Hưng Yên (28 %), Bắc Ninh (26 %), Nam Đinh (22 %), (Hà Nam 20 %) …

Trong quá trình tổ chức triển khai phòng chống dịch bệnh thời gian qua đã và đang gặp quá nhiều khó khăn bất cập đó là:

Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; trong khi nhiều năm qua, bệnh DTLCP đã lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Mặt khác, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, nem chua.. vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ 56°C trong 70 phút, 70°C trong 20 phút, 100°C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày. Từ những đặc thù loại mầm bệnh này nên rất khó khăn trong các giải pháp phòng chống, khống chế bệnh.

Thành phố có tổng đàn lợn lớn (đứng thứ 2 sau tỉnh Đồng Nai) với 1,87 triệu con, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong dân còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%); Địa giới hành chính giáp với nhiều tỉnh, địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm cả về đường không, đường bộ, đường thủy nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm quá lớn, cùng với đó việc giết mổ nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư còn chiếm tỷ lệ cao (với 259 cơ sở) nên việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại với số dân sống và làm việc tại Hà Nội khoảng trên 10 triệu dân, nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân thủ đô cao (khoảng 800 – 900 tấn/ngày) trong khi thành phố mới tự cung cấp được 60%, số còn lại phải nhập từ ngoại tỉnh hoặc nhập khẩu. Việc sử dụng thức ăn tận dụng, dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn còn phổ biến đối với nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, tận dụng. Người, phương tiện vận chuyển ra, vào trại chưa áp dụng đầy đủ quy trình vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học; đặc biệt lực lượng trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về vệ sinh phòng bệnh, hơn nữa khi tiêu hủy ở những đàn lợn lớn trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt (nắng, nóng, mưa, đêm tối ...) khâu phòng hộ bị lơi lỏng. Ngoài ra, dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi rút DTLCP rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra; Bên cạnh dó do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh; các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

Thời gian vừa qua giá lợn hơi trên địa bàn thành phố luôn biến động khó lường, hiện giá lợn đang xuống thấp (giao động khoảng 26.000 đến 30.000đ/kg) làm cho người chăn nuôi không tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh; một bộ phận người tiêu dùng còn chưa nhận thức đúng, đủ về dịch bệnh nên có tâm lý e ngại, hạn chế sử dụng thịt lợn thậm trí “quay lưng” với thịt lợn nên việc tiêu dùng thịt lợn giảm dẫn tới ứ đọng lợn khỏe mạnh đến kỳ xuất bán. Việc tiêu hủy số lượng lớn lợn gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất, quản lý hố chôn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Một số nơi chưa chuẩn bị tốt phương án tiêu hủy nên khi dịch xảy ra gặp rất nhiều khó khăn khi chọn vị trí, địa điểm tiêu hủy. Việc không tiêu hủy lợn ngay để kéo dài nảy sinh việc lây lan dịch bệnh tại khu vực.

Trong tổ chức các giải pháp phòng, đặc biệt việc tiêu hủy lợn bệnh, cơ chế, chính sách bồi dưỡng chưa phù hợp cho người trực tiếp tham gia chống dịch (lực lượng này phải làm việc ngày đêm, trong môi trường độc hại, nguy hiểm…). Theo quy định hiện tại lực lượng tham gia phòng bệnh, tiêu hủy lợn bệnh chỉ được hưởng chế độ thù lao 100 ngàn đồng/ngày (đối với ngày thường), 200 ngàn đồng/ngày (đối với ngày lễ, ngày nghỉ) trong khi đó lao động phổ thông hiện tại ở mức 200 - 300 ngàn đồng/ngày nên việc huy động hoặc thuê lực lượng tham gia phòng, chống dịch nhất là trực tiếp đi tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Dự báo nguy cơ bệnh DTLCP còn diễn biến phưc tạp, kéo dài, bệnh tiếp tục xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vả các hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế. Thành phố đã đưa ra giải pháp cụ thể đó là thực hiện nghiêm Chỉ thị 34/CT/TƯ ngày 20/5/2019 của Ban Bí Thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Với các địa phương tập trung tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp quan trọng như chủ động phát hiện sớm dịch bệnh, huy động các lực lượng của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,…) để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để theo đúng quy định; thực hiện tốt việc vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, khu vực xung quanh và trong quá trình xử lý ổ dịch; tránh tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở ngành làm việc với các Công ty, Doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bàn các giải pháp cụ thể về tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn. Cp nhật thông tin để thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác tới các quận huyện và người dân về chủ trương, chính sách và các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh. Duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn. Phối hợp cùng cơ quan truyền thông của Trung ương, Thành phố tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn, thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (như Dại, Cúm gia cầm, Tai xanh, LMLM …) để ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm.

Chắc chắn với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, nhất là các quận huyện đang xảy ra dịch, sự đồng hành của người chăn nuôi, người tiêu dùng, bệnh DTLCP sớm được đẩy lùi, hạn chế thiệt hại, sớm ổn định sản xuất.

Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6850
Tổng lượng truy cập: 28234112