Vệ sinh tiêu độc môi trường là một trong các biện pháp hữu hiệu nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện công văn số 8445/BNN-TY ngày 06/10/2017 của Bộ Nông nghiệp & PTNT đợt 2 năm 2017. Được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & PTNT, ngày 16/10/2017 Chi cục Thú y Hà Nội đã có công văn số 862/TY-DT về việc thực hiện triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường hưởng ứng tháng phát động của Bộ Nông nghiệp & PTNT đợt 2/2017 và sau tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Thời gian thực hiện từ ngày 25/10/2017 đến ngày 15/11/2017.
Tổng số lượng thuốc sát trùng cấp cho các quận, huyện, thị xã là : 37.000 lít RTD –TC01.
Đối tượng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở ấp trứng gia cầm; nơi thu gom rác thải, chất thải trong khu dân cư; nơi công cộng, đường làng ngõ xóm; nơi có ổ dịch bệnh cũ như LMLM, Cúm gia cầm, tai xanh và dại ở chó mèo; các chợ buôn bán động vật; sản phẩm động vật, nơi chế biến động vật, sản phẩm động vật. Đối với chốt kiểm dịch phun vệ sinh tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua chốt. Đối với các trang trại chăn nuôi thuộc Công ty liên doanh quốc doanh tự chủ động nguồn hóa chất để vệ sinh tiêu độc dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn.
Để làm tốt được những việc trên thì công tác tuyên truyền ở cơ sở đóng góp một phần không nhỏ cho việc thực hiện vệ sinh tiêu độc. Chi cục Thú y đã tăng cường hướng dẫn các cơ sở thực hiện tốt quy trình về vệ sinh tiêu độc. Cụ thể UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể cùng tham gia thực hiện, trạm thú y hướng dẫn, đôn đốc tham mưu văn bản cho chính quyền cấp quận, huyện, thị xã phân bổ thuốc sát trùng theo diện tích thực tế sẽ phun, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phân công cán bộ phụ trách địa bàn giám sát việc thực hiện ở cơ sở.
Ban thú y xã viết bài tuyên truyền hàng ngày phát trên đài truyền thanh xã. Các đoàn thể ở khắp các xã, phường thị trấn như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội phụ nữ.. cùng toàn thể nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng dọn vệ sinh cơ giới, ban thú y xã phun thuốc sát trùng.
Trước khi phun thuốc sát trùng phải thực hiện việc vệ sinh cơ giới. Đối với đường làng ngõ xóm phải khơi thông cống rãnh sau đó rắc vôi bột bằng nguồn kinh phí của các địa phương. Đối với các chợ phải dọn vệ sinh cơ giới sạch sẽ, thu gom rác thải và phun vào buổi trưa sau khi nghỉ chợ hoặc buổi chiều tối. Các chợ buôn bán gia cầm sống như chợ Hà Vỹ (Thường Tín), chợ Bắc Thăng Long (Đông Anh) thực hiện vệ sinh tiêu độc phương tiện ra vào chốt kiểm dịch ngoài cổng chợ và phun thuốc sát trùng vào cuối buổi chợ sau khi đã dọn vệ sinh cơ giới.
Kết quả đáng ghi nhận là sau khi phát động các cấp, các ngành đã vào cuộc một cách tích cực. Đặc biệt có sự đồng thuận của người dân, người chăn nuôi cùng tham gia. Nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động vệ sinh thu gom rác thải, phun thuốc sát trùng tại hộ, khu vực chăn nuôi...
Một số huyện thực hiện việc vệ sinh tiêu độc rất tốt như: Thanh Oai, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ,... đã chi hàng chục tấn vôi bột để rắc nơi công cộng và hệ thống cống rãnh.
Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong nước vẫn diễn biến phức tạp và liên tục xảy ra dịch bệnh nguy hiểm ở nhiều địa phương. Các địa phương, các đoàn thể và các ngành chức năng trên toàn Thành phố cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt các giải pháp nhằm phát động sâu rộng và hiệu quả các đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm mục tiêu sản xuất ra nguồn thực phẩm an toàn và phát triển ngành chăn nuôi bền vững trên địa bàn Thành phố.
Chắc chắn, với sự quan tâm của các cấp , các ngành, sự đồng thuận của người dân, người chăn nuôi, tháng hành động vệ sinh tiêu độc môi trường trên địa bàn Thành phố sẽ đạt hiệu quả cao góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho con người và vật nuôi trong thời gian tới.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)