Chủ động phòng, chống bệnh dại trong mùa hè
Tại Việt Nam, những năm gần đây, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng và thực sự là mối nguy hiểm lớn cho con người (số ca tử vong do bệnh dại: năm 2014: 67 ca, năm 2015: 78 ca, năm 2016: 91 ca). Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát. Tuy nhiện, đây là một bệnh có thể chủ động phòng tránh được.

Bệnh dại (rabies) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Khi đã lên cơn dại cả súc vật và người đều dẫn đến tử vong, tỉ l chết/mắc của bnh dại gần như là 100%.

Cách truyền lây của bệnh dại: Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loại động vật máu nóng, có vú (chó, mèo chiếm tỷ lệ cao) và người. Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người; cũng có thể khi động vật bị dại liếm vào vết thương, vào những chỗ da người bị trầy xước. Đa số bệnh dại ở người là do chó cắn, tuy nhiên cũng có một số ít là do mèo, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác cắn. Người mắc bệnh dại khi cắn người khác có thể làm cho người đó bị bệnh dại. Những người chăm sóc bệnh nhân bị bệnh dại khi tiếp xúc với nước bọt của người bệnh có thể bị bệnh dại. 

Thời kỳ ủ bệnh: Trung bình từ 20 – 90 ngày (chiếm 80%), có thể ngắn hoặc dài hơn đến hàng năm. Thời kỳ ủ bệnh ngắn hay dài tuỳ theo vị trí cắn: Đầu mặt cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, tời gian ủ bệnh rất ngắn…; Đặc tính của vết cắn: nhiều vết cắn, vết cắn sâu… ;Lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể.

Biểu hiện lâm sàng: Chó mắc bệnh dại thường xảy ra ở hai thể, thể điên cuồng chó dại lên cơn dữ dội, hàm trễ, mắt đỏ ngầu, mất thần sắc tạo thành bộ mặt đặc biệt, chảy dãi, xùi bọt mép trắng như xà phòng, không còn cảm giác, đi như điên lao vào mọi người kể cả chủ cắn xé. Chó sợ gió, sợ nước, bỏ nhà đi lung tung có khi hàng chục km, bạ gì ăn đấy, có khi nuốt cả vật lạ, những cơn điên như thế nối tiếp; chó gầy rất nhanh rồi chuyển sang bại liệt và chết. Thể bại liệt chó thể hiện các trạng thái bất thường thấy con vật buồn bã, ngơ ngác, bồn chồn, ăn ít hay bỏ ăn. Sau đó lặng lẽ chui vào xó tối nằm lì – gọi là thể dại “câm” hay thể dại “im lặng”. Vài ngày sau đó chó bị liệt chân, liệt hàm (hàm trễ), lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do và không cắn được, chó gầy sút nhanh, nằm một chỗ rồi chết (thể dại này rất nguy hiểm do khó nhận biết).

Bệnh dại rất nguy hiểm : Bệnh dại là bệnh truyền lây giữa động vật và người; khi đã lên cơn dại thì không thể chữa trị được kể cả người và động vật.

Để phòng tránh bệnh dại, khuyến cáo người dân cần lưu ý các biện pháp sau:

1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng vacxin dại cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 

2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

5. Khi bị chó, mèo cắn cần:

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).

- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

6. Khi phát hiện chó, mèo có các dấu hiệu hung dữ bất thường, người nuôi cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương.

7. Hạn chế nuôi chó mèo.

Cấn Xuân Minh - Chi cục Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5737
Tổng lượng truy cập: 28255973