Kết quả công tác phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa tại Hà Nội
Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của người dân, chăn nuôi bò thịt tại thành phố Hà Nội đã có những bước chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2016, tổng đàn bò toàn Thành phố có 135.697 con. Trong đó bò sữa có 15.385 con, bò thịt có 119.400 con. Điểm nổi bật trong công tác phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa tại Hà Nội là đã thành công trong việc phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư và cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò bằng việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.

Phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư

Thực hiện Quyết định 2801/QĐ-UBND ngày 17/6/2011 của UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình phát triển chăn nuôi gia súc lớn tập trung tại xã, vùng trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư như phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch xã, khu chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sữa điển hình, tập trung tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ bò giống, giám định bình tuyển bò sữa, bò thịt, hỗ trợ chế phẩm xử lý môi trường, thông tin tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi, chính sách phát triển chăn nuôi,...

Đến nay Hà Nội đã phát triển thành công 2 vùng chăn nuôi bò sữa là Ba Vì và Gia Lâm với tổng đàn là 10.667 con, chiếm 68% toàn Thành phố; 15 xã chăn nuôi bò sữa có 10.891 con, chiếm 70,7% tổng đàn bò sữa toàn Thành phố. Sản lượng sữa sản xuất đạt 75,5 tấn/ngày. Quy mô chăn nuôi 4,2 con/hộ; 19 xã chăn nuôi bò thịt có 25.906 con, chiếm 21,7% tổng đàn bò thịt toàn Thành phố. Quy mô chăn nuôi 1,67 con/hộ; 50 trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 917 con; 103 trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản với tổng đàn 2.884 con. Nhiều trại chăn nuôi đã ứng dụng một phần công nghệ cao trong chăn nuôi

Công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò

Kế thừa kết quả công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt, bò sữa giai đoạn 2006-2010, khi đó đàn bò thịt đã được Zebu hóa trên 70%, đàn bò sữa được lai tạo 100% bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và chủ yếu nuôi các giống bò sữa HFF1, HFF2 và một phần giống HFF3 tuy nhiên năng suất, chất lượng còn thấp. Từ năm 2011 đến nay, thành phố Hà Nội đã triển khai công tác thụ tinh nhân tạo bò miễn phí 100% trên toàn địa bàn Hà Nội. Kết hợp với đào tạo đội ngũ gồm 90 dẫn tinh viên giỏi tay nghề tại khắp các huyện, thị xã. Tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi lựa chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò.

Với định hướng cụ thể theo từng đối tượng vật nuôi. Đối với bò sữa, khuyến khích loại thải bò sữa kém chất lượng; sử dụng tinh phân ly giới tính, tinh bò sữa nhập ngoại chất lượng cao cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò. Đối với bò thịt phát triển theo 2 hướng song song bao gồm sản xuất con giống tập trung lai tạo giống bò nhóm Zebu (bò Red Sindhi, Brahman), sản xuất bò cái nền để lai tạo với các giống bò chuyên thịt, bò chuyên sữa, tạo ra các giống bò lai hướng thịt, hướng sữa có năng suất chất lượng cao; phát triển đàn bò thịt chất lượng cao bằng việc sử dụng tinh bò chuyên thịt Droughmater, Brahman, bò BBB (Blanc-Blue-Belgium), Angus...phối trên nền đàn bò cái lai Zebu để nâng cao sản lượng, chất lượng thịt bò tại Hà Nội.

Với những phương pháp và cách làm trên, công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò tại Hà Nội đã có những thành quả đáng ghi nhận. Các giống mới đưa vào đã khẳng định được về tính thích nghi, hiệu quả kinh tế như đối với bò thịt là giống Blanc Blue Belge (BBB) của Bỉ, Droughmaster, Angus, Brahman. Hàng năm, có khoảng trên 40.000 con bê lai hướng thịt sinh ra từ phương pháp TTNT. Bê sinh trưởng nhanh, bán giá lúc 4 tháng tuổi cao hơn bê phối giống trực tiếp từ 3 - 5 triệu đồng/con cùng lứa tuổi. Đối với bò sữa, sản lượng tăng từ 4.300 kg/con/chu kỳ vào năm 2011 lên 4.800 kg/chu kỳ năm 2016. Ước tính tổng thu nhập của người chăn nuôi bò thịt, bò sữa tại Hà Nội khoảng 300 tỷ đồng/năm.

Những thách thức và cơ hội

Bên cạnh những thành quả đạt được như trên, chăn nuôi bò thịt, bò sữa tại Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như chăn nuôi gia súc lớn cần vốn đầu tư mua con giống lớn, giá thức ăn cao. Trong khi đó, những năm gần đây giá bò thịt, giá sữa giảm mạnh nên hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi giảm. Quy mô nhỏ lẻ (từ 1 - 5 con), theo phương thức tận dụng, trình độ, quản lý, khoa học kỹ thuật của những người chăn nuôi nói chung còn thấp nên năng suất chăn nuôi thấp. Công tác quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Song, ngành chăn nuôi bò thịt và bò sữa tại Hà Nội vẫn có lợi thế và nhiều cơ hội riêng do có điều kiện tự nhiên thuận lợi rất thích hợp để phát triển chăn nuôi gia súc lớn. Thủ đô Hà Nội còn là nơi tập trung đông dân cư với trên 7 triệu người có mức thu nhập cao, đời sống khá giả, nhu cầu tiêu dùng các thực phẩm có chất lượng ngày càng cao. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm từ chăn nuôi bò thịt, bò sữa nói riêng. Đối với chăn nuôi bò sữa tại Hà Nội có nhiều công ty đang ký hợp đồng thu mua sữa ổn định cho người chăn nuôi như Công ty Cổ phần sữa quốc tế IDP, Công ty Cổ phần sữa Ba Vì, Công ty Cổ phần sữa Vinamilk, Hà Nội milk.

Định hướng phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa tại Hà Nội trong thời gian tới

Để ngành chăn nuôi cung cấp được các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhu cầu của các nhà máy chế biến, xuất khẩu, có đủ điều kiện để cạnh tranh được với sản phẩm chăn nuôi của các nước trên thế giới và khu vực. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo những định hướng sau:

- Tập trung phát triển đàn bò thịt, bò sữa chất lượng cao; hướng sản xuất con giống là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi để vừa cung cấp giống cho Thành phố và các tỉnh khác;

- Chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, tập trung chủ yếu ở vùng núi, đồi gò, giảm dần và tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; hình thành các khu chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hệ thống các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhằm tăng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi;

- Phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm từ 1,5 - 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống;

- Xây dựng các chuỗi chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi sản xuất và cung cấp thịt bò Hà Nội, chuỗi sản xuất và cung cấp sữa Ba Vì thuộc Dự án“Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020” tại Quyết định số 5818/QĐ-UBND ngày 30/10/2015.

Nguyễn Thị Phương Thúy - Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 11569
Tổng lượng truy cập: 28255973