Nằm tại xã Vân Hòa – Ba Vì – Hà Nội, nơi được coi là “Thủ phủ” của nghề chăn nuôi bò tại Hà Nội, trang trại chăn nuôi bò của hợp tác xã được nhiều người dân nơi đây biết đến bởi quy mô đầu tư lớn bậc nhất Thủ đô. Với tổng diện tích trang trại là 25 ha, diện tích chuồng trại 5.300 m2, diện tích đất trồng cỏ 15 ha. Tổng đàn bò tại trang trại hiện nay là 230 con, trong đó có 180 con bò sữa và 50 con bò thịt nuôi vỗ béo. Khu chuồng trại nuôi bò được xây theo kiểu hai dãy song song, cao ráo, thoáng mát, luôn được vệ sinh sạch sẽ. Đàn bò khỏe, đẹp, đồng đều được nuôi kín các ô chuồng. Khu vắt sữa được bố trí riêng với hệ thống máy vắt giữa giàn hiện đại. Sân chơi cho bò với diện tích 1.500 m2, được trải cát cho bò vận động, phòng các bệnh chân, móng và bệnh sản khoa. Đồng cỏ xanh mướt, trải rộng hết tầm mắt với các giống cỏ phổ biến được dùng trong chăn nuôi bò như cỏ ngô, VA06, cỏ voi,... Kho dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô xanh với diện tích 1.000 m2. Ngoài ra, để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, trang trại đã ứng dụng đồng bộ các trang thiết bị công nghệ cao phục vụ chăn nuôi như hệ thống quản lý sinh sản ở bò sữa có gắn chip điện tử, máy vệ sinh chuồng trại, hệ thống tưới cỏ bán tự động, phối trộn thức ăn hoàn chỉnh TMR. Hệ thống Biogas với tổng thể tích 800 m3 để xử lý phân, nước thải bón cỏ, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển trang trại, anh Tạ Viết Hùng – chủ nhiệm hợp tác xã cho biết:
Vào năm 2013, khi phong trào chăn nuôi bò sữa đang phát triển rầm rộ trong cả nước, nhận định đây là nghề đem lại lợi nhuận cao, anh quyết tâm làm giàu từ chăn nuôi bò sữa. Sau quá trình tìm hiểu kỹ các chủ trương, chính sách, quy hoạch phát triển chăn nuôi của Thành phố cũng như địa phương, anh dồn hết vốn liếng đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô ban đầu là 100 con.
Song khi bắt tay vào chăn nuôi, anh mới nhận ra rằng thực tế không hề đơn giản như những gì anh nghĩ. Đàn bò sữa thường xuyên mắc các bệnh, đặc biệt là bệnh về chân móng, bệnh sinh sản, năng suất sữa thấp, công tác quản lý trang trại gặp nhiều bất cập.
Không lùi bước trước khó khăn, anh tìm đến Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội để được tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; quy trình phòng, trị bệnh cho bò sữa; việc ứng dụng các trang thiết bị công nghệ cao phục vụ chăn nuôi; kết hợp với việc đi thăm quan, học tập kinh nghiệm quản lý tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trong và ngoài thành phố. Anh có thêm kinh nghiệm dần khắc phục những khó khăn, đưa trang trại phát triển ổn định.
Niềm phấn khởi chưa được bao lâu thì chăn nuôi bò sữa lại gặp phải cơn “bão giá”, giá sữa bột trên thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến giá thành sữa tươi trong nước giảm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Làm sao để chăn nuôi bò sữa vẫn có lãi cao?
Một lần nữa anh Hùng lại phải tìm hướng đi mới cho trang trại bò sữa của mình. Anh nhận thấy, để cạnh tranh được với giá sữa trên thế giới cần giảm chi phí lao động bằng cách tăng quy mô chăn nuôi; đầu tư giống bò năng suất, chất lượng cao; đầu tư đồng bộ các trang thiết bị trong chăn nuôi, diện tích đất trồng cỏ đảm bảo đủ thức ăn cho bò. Để làm được điều đó, anh cần có thêm nhiều vốn đầu tư. Anh lại kêu gọi các nguồn đầu tư của những người có cùng chí hướng. Từ đó, Hợp tác xã Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì đã được thành lập vào năm 2015.
Sau khi thành lập, Hợp tác xã đã mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại, tăng quy mô đàn, mở rộng nuôi thêm bò thịt vỗ béo, đầu tư đồng bộ các trang thiết bị phục vụ chăn nuôi hiện đại. Vì vậy, mọi công việc tại trang trại hiện nay chỉ do 6 nhân công đảm nhiệm. Mặc dù trong 2 năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi bò sữa lao đao vì giá sữa, nhưng trại bò của hợp tác xã vẫn đảm bảo doanh thu khoảng 8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản chi phí, khấu hao đạt 2 tỷ đồng/năm.
Về định hướng phát triển hoạt động trong thời gian tới, anh Hùng chia sẻ: Hợp tác xã đang triển khai kế hoạch tái cơ cấu đàn, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò sữa bò sữa hiện nay bằng việc phối giống cho bò bằng tinh phân ly giới tính, tinh bò nhập ngoại, nhập bò thuần; đầu tư thêm các trang thiết bị công nghệ cao phục vụ chăn nuôi; nâng quy mô chăn nuôi lên 400 con bò sữa, 100 con bò thịt và 500 con dê sữa; xây dựng chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu riêng cho sản phẩm sữa bò, sữa dê, thịt bò của Hợp tác xã; đồng thời phát triển trang trại theo hình thức trang trại giáo dục học đường.
Tuy chặng đường trước mắt còn dài và đầy khó khăn, gian khổ. Song với những kết quả đạt được như trên có thể khẳng định Hợp tác xã Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì là một minh chứng rõ nét cho quan điểm “Chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, ứng dụng công nghệ cao” là mấu chốt quan trọng để tháo gỡ “nút thắt khó khăn” trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở nước ta hiện nay.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)