Những năm qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích phát triển chăn nuôi. Trong đó, công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò bằng việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo được đặc biệt quan tâm. Chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện và nâng cao, trọng lượng bình quân bò trưởng thành năm 2000 là 265 kg/con (bò cái) và 365 kg/con (bò đực), đến năm 2010 là 350 kg/con (bò cái) và 450 kg/con (bò đực) và đến năm 2016 là 375 kg/con (bò cái) và 590 kg/con (bò đực). Trình độ chăn nuôi bò lai của nông dân Hà Nội tiến bộ vượt bậc, nổi bật nhất là việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc lai tạo giống, chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngày nay chăn nuôi bò lai đã và đang trở thành ngành sản xuất hàng hoá mang lại lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai xây dựng thành công vùng chuyên canh về phát triển con giống, vùng chuyên canh về chăn nuôi thương phẩm, cụ thể: xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm tại 19 xã với quy mô khoảng 28.500 con ở các xã: Minh Châu, Minh Quang, Khánh Thượng, Sơn Đà, Tòng Bạt (huyện Ba Vì); Thanh Mỹ (Sơn Tây); Thượng Cốc, Vân Hà (Phúc Thọ); Tự Lập (Mê Linh); Minh Trí, Bắc Sơn (Sóc Sơn); Lệ Chi, Văn Đức (Gia Lâm); Tự Nhiên (Thường Tín); Kim An (Thanh Oai); Sơn Công (Ứng Hòa); Đồng Tâm (Mỹ Đức); Thụy Hương, Lam Điền (Chương Mỹ); Đông Yên (Quốc Oai).
Đến nay, Hà Nội đã thành công trong việc lai tạo các giống bò hướng thịt như bò lai BBB, Droughmaster, Angus; các giống bò kiêm dụng như lai Sind, lai Brahman. Hàng năm, trên địa bàn Thành phố có trên 40 ngàn con bê lai được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Bê thịt sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, giá bán giống (lúc 4 tháng tuổi) cao hơn bê phối giống trực tiếp từ 2 - 3 triệu đồng/con cùng lứa tuổi. Tổng thu nhập tăng thêm của người chăn nuôi trên toàn bàn thành phố đạt trên 100 tỷ đồng/năm. Hà Nội đã trở thành điểm đến để tham quan, học tập kinh nghiệm và mua bò giống của người chăn nuôi trong cả nước.
Nhằm tuyên truyền, phát triển chăn nuôi bò thịt, quảng bá, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi về con giống và bò thịt trên địa bàn Hà Nội, động viên, khuyến khích người dân tăng quy mô đàn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản suất. Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tổ chức Hội thi bò thịt thành phố Hà Nội năm 2016.
Khởi động từ tháng 9/2016, Hội thi bò thịt thành phố Hà Nội đã được triển khai tại 26 xã của 9 huyện, thị xã gồm các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn và Sơn Tây.
Đối tượng bò tham gia dự thi là bò có nguồn gốc hoặc có thời gian nuôi tối thiểu 3 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội, có sức khỏe tốt, lý lịch rõ ràng, thuộc các giống bò lai chuyên thịt, hướng sinh sản năng suất, chất lượng cao phổ biến tại Hà Nội, chia thành 3 nhóm: nhóm 1 - bò đực lai hướng thịt, lứa tuổi từ 18 tháng đến 24 tháng tuổi, thuộc các giống lai Droughmaster, BBB; nhóm 2 - bò cái tơ hậu bị, có lứa tuổi từ 12 tháng đến 18 tháng tuổi, thuộc các giống lai Brahman, Redsind; nhóm 3 - cặp bò mẹ con, trong đó bò mẹ đẻ từ 1 - 4 lứa và bê con theo mẹ ≤ 5 tháng tuổi, thuộc các giống lai Brahman, Redsind.
Nội dung thi tuyển gồm: nguồn gốc, lý lịch của bò, ngoại hình, khối lượng, đặc trưng giống của tất cả các nhóm bò dự thi, đối với nhóm 2, 3 xét thêm các tiêu chí về khả năng sinh sản, khả năng trình diễn.
Do tính chất độc đáo, mới lạ, ngay từ vòng Sơ khảo Hội thi đã thu hút hàng nghìn hộ chăn nuôi đăng ký đưa bò tham gia dự thi. Ban tổ chức Hội thi tại mỗi huyện, thị xã đã chọn ra 100 đối tượng tiêu biểu nhất tham gia thi Sơ khảo. Kết thúc vòng thi Sơ khảo, các huyện, thị xã đã chọn ra được 20 con bò thịt, 20 bò cái hậu bị, 20 cặp bò mẹ con có số điểm cao nhất để tham gia thi Chung khảo.
Vòng Chung khảo Hội thi bò thịt thành phố Hà Nội được tổ chức trong hai ngày 04 - 05/11/2016 vừa qua, tại xã Cẩm Lĩnh – Ba Vì – Hà Nội. Tham gia Hội thi có 48 chủ hộ chăn nuôi bò cùng với sự góp mặt của 80 “thí sinh” bò bê dự thi bao gồm: 20 bò đực lai hướng thịt, trong đó có 13 bò lai BBB, 05 bò lai Drouhgtmaster, 01 lai Brahman, 01 lai Sind; 20 bò cái hậu bị trong đó 10 bò lai Brahman, 10 bò lai Sind; 20 cặp bò mẹ con trong đó 10 bò mẹ lai Brahman, 10 bò mẹ lai Sind với 12 bê lai Brahman, 05 bê lai Sind, 02 bê lai BBB, 01 bê lai Droughtmaster, 5 cặp bò (01 mẹ lai Zebu và 01 bê con) đã đạt giải nhất cấp huyện, thị xã trong vòng Sơ khảo chọn cấp huyện vừa qua được chọn “tranh tài khoe sắc” tại vòng chung khảo toàn thành phố năm 2016. Tham dự và cổ vũ cho Hội thi có đại diện của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể trong thành phố; đại diện 9 tỉnh bạn xung quanh Hà Nội; Phòng Kinh tế, Trạm Thú y, Khuyến nông các huyện, thị; các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình của Trung ương, địa phương về đưa tin và hàng trăm nông dân ở các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Sau hai ngày thi diễn ra đầy kịch tính, sôi nổi và hấp dẫn, Ban giám khảo đã “cầm cân, nẩy mực” một cách công minh và chọn ra được những thí sinh xuất sắc nhất ở mỗi nhóm bò dự thi. Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho nhóm 1 thuộc về “chú bò\" hướng thịt giống lai BBB mang số báo danh 09, của hộ anh Nguyễn Văn Hào xã Thượng Cốc huyện Phúc Thọ; nhóm 2 thuộc về “cô bò” hậu bị giống lai Brahman, mang số báo danh 31, của hộ anh Đỗ Khắc Nhàn xã Ngọc Mỹ huyện Quốc Oai; nhóm 3 thuộc về cặp bò mẹ con giống lai Brahman, mang số báo danh 43, của hộ anh Đỗ Văn Xuất thuộc xã Tòng Bạt huyện Ba Vì. Giải nhì nhóm 1 thuộc về “chú bò” giống lai BBB của hộ gia đình ông Vũ Chí Quân tại xã Lệ Chi huyện Gia Lâm, nhóm 2 thuộc về “cô bò” giống lai Sind của gia đình bà Trần Thị Liên tại xã Tản Lĩnh huyện Ba Vì, nhóm 3 thuộc về cặp bò mẹ con giống lai Braman của gia đình ông Ngô Ngọc Tiến tại xã Thanh Mỹ - thị xã Sơn Tây. Giải ba nhóm 1 thuộc về hai “chú bò” giống lai BBB của gia đình ông Vũ Kim Tuyền tại xã Thuần Mỹ huyện Ba Vì và ông Đặng Đình Hậu tại xã Lam Điền huyện Chương Mỹ, nhóm 2 thuộc về hai “cô bò” hậu bị giống lai Brahman của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức và ông Nguyễn Văn Tiêu tại xã Đức Hòa huyện Sóc Sơn, nhóm 3 thuộc về 2 cặp bò mẹ con giống lai Sind và lai Brahman của gia đình ông Hoàng Đình Vĩ tại xã Xuân Phú huyện Phúc Thọ và ông Nguyễn Đức Liên tại xã Tự Lập huyện Mê Linh.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức Hội thi còn trao 48 giải khuyến khích cho các nhóm bò dự thi. Giá trị giải thưởng: giải nhất 10 triệu đồng, giải nhì 7 triệu đồng, giải ba 5 triệu đồng, giải khuyến khích 1 triệu đồng.
Để làm phong phú thêm cho hoạt động của Hội thi ngoài nội dung thi bò nêu trên, Ban tổ chức còn tổ chức Hội thảo chuyên đề \"Giải pháp phát triển chăn nuôi bò lai hướng thịt trên địa bàn Hà Nội”, bố trí khu gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi tham gia, tổ chức giao lưu văn nghệ ca ngợi người chăn nuôi trong thời gian diễn ra vòng Chung khảo.
Trong hai ngày diễn ra vòng Chung khảo, đa số các đại biểu tham dự, đặc biệt là các hộ chăn nuôi đều rất phấn khởi và mong muốn trong thời gian tới Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thêm nhiều các Hội thi bò để được giao lưu, học hỏi giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp. Thông qua Hội thi một số chủ trương chính sách của Nhà nước về phát triển chăn nuôi bò thịt đã được tuyên truyền sâu rộng tới khắp các địa phương của Hà Nội.
Với những kết quả đạt được như trên có thể khẳng định Hội thi đã làm tốt vai trò và mục tiêu đề ra, từ đó tạo động lực để công tác phát triển chăn nuôi bò thịt tại Thủ Đô có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và chủ động, sẵn sàng cho quá trình hội nhập ASEAN và TPP./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)