I. Chủ trương, định hướng phát triển chăn nuôi của thành phố Hà Nội
Những năm qua, với định hướng phát triển chăn nuôi của Trung ương và xu thế hội nhập Quốc tế đã đem lại nhiều thời cơ vận hội tốt cho sự phát triển, nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức đối với ngành chăn nuôi của Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội. Do đó Thành ủy, HĐND, UBND với sự tham mưu của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã xác định hướng đi của ngành chăn nuôi Thủ đô đó là:
Thứ nhất. Đã quy hoạch chăn nuôi phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm giúp khai thác một cách tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, giúp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra lượng sản phẩm lớn, tính đồng đều cao nhằm đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế với thế giới.
Tập trung phát triển đàn lợn, bò thịt chất lượng cao, bò sữa và đàn gia cầm; từng bước đưa sản xuất con giống là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi để vừa cung cấp giống cho Thành phố và các tỉnh khác. Chăn nuôi phát triển theo hướng xa khu dân cư, giảm dần và tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; hình thành các khu chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hệ thống các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhằm tăng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Phát triển sản xuất theo 3 tiểu vùng, gồm: Vùng núi, đồi gò định hướng phát triển tập trung các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò thịt, bò sữa, lợn thịt, các loại con nuôi đặc sản; Vùng đồng bằng, đối với vùng vàn cao tập trung phát triển chăn nuôi gà, lợn và đối với vùng thấp tập trung nuôi thủy cầm theo hướng trang trại chăn nuôi kết hợp với thủy sản; Vùng bãi ven sông tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành dai xanh của Hà Nội, các loại con nuôi chủ yếu là bò thịt, bò sữa, lợn và gia cầm.
Thứ hai là Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung có khả năng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo tiền đề xây dựng chuỗi giá trị trong chăn nuôi.
Thứ ba là Phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2020 hình thành các khu, trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất và giá trị từ 1,5 – 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống.
Thứ tư là Xây dựng các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm với mục tiêu về sự cần thiết hiện nay thì toàn bộ sản phẩm ngành chăn nuôi phải được sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc thì mới đảm bảo giải quyết được tình trạng chăn nuôi được mùa rớt giá và mất an toàn thực phẩm. Nhưng theo mục tiêu của Dự án“Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020” tại Quyết định số 5818/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 thì đến năm 2020 hình thành 11 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi cho 13 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm an toàn thực phẩm, truy suất được nguồn gốc. Do vậy, ngoài việc thực hiện dự án trên thì cũng rất cần có sự tác động trên diện rộng hoặc tập trung phát triển chuỗi theo tiến trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Như vậy, có thực hiện được 4 nội dung như nêu trên thì ngành chăn nuôi Hà Nội mới giành được thế chủ động trong hội nhập quốc tế, từng bước sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, cho nhu cầu của các nhà máy chế biến và xuất khẩu, có đủ điều kiện để cạnh tranh được với sản phẩm chăn nuôi của các nước trên thế giới và khu vực.
II. Một số kết quả nổi bật của ngành chăn nuôi thành phố Hà Nội
1. Về tổng đàn và sản lượng chăn nuôi
Những tháng đầu năm 2016, tuy ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn song riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi vẫn có tăng trưởng khá. Thời điểm tháng 6 năm 2016, Hà Nội có tổng đàn trâu, bò 171 nghìn con (trong đó đàn bò sữa 15.955 con); Đàn lợn trên 1,5 triệu con và đàn gia cầm gần 27,9 triệu con (trong đó đàn gà 17,2 triệu con). So với cùng kỳ năm 2015, đàn trâu tăng 0,9%; đàn bò tăng 3,5% (trong đó bò sữa tăng 7,5%); đàn gia cầm tăng 9,7% (trong đó đàn gà tăng 6,7%).
Về sản lượng chăn nuôi 6 tháng đầu năm: Sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng đạt 5,7 nghìn tấn; thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 158 nghìn tấn; Sản lượng thị gia cầm hơi xuất chuồng đạt 43 nghìn tấn; Sản lượng trứng đạt 600 triệu quả; Sản lượng sữa tươi đạt 17,4 nghìn tấn. So với cùng kỳ năm 2015, sản lượng thịt bò giảm 2,6%, sản lượng thịt trâu tăng 3,9%; sản lượng thịt gà tăng 2,6%, sản lượng thịt gia cầm khác tăng 4,5%; sản lượng trứng gà tăng 6,2%, sản lượng trứng gia cầm khác tăng 8,4% và sản lượng sữa tăng 2,8%.
2. Phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Đến nay đạt được kết quả như sau:
a) Phát triển 15 vùng chăn nuôi chuyên canh, tập trung, gồm:
- 2 vùng chăn nuôi bò sữa với tổng đàn là 10.667 con (chiếm 68% toàn Thành phố);
- 4 vùng chăn nuôi lợn với tổng đàn là 203.807 con (chiếm 13% tổng đàn toàn Thành phố).
- 9 vùng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với tổng đàn 5,677 triệu con (chiếm 20,3% toàn Thành phố).
b) Phát triển 76 xã chăn nuôi trọng điểm. gồm:
- 15 xã chăn nuôi bò sữa có 11.317 con, chiếm 70% tổng đàn bò sữa toàn Thành phố. Sản lượng sữa sản xuất đạt 82,3 tấn/ngày chiếm 81% tổng sản lượng toàn Thành phố. Quy mô chăn nuôi 4,2 con/hộ.
- 19 xã chăn nuôi bò thịt có 26.670 con, chiếm 21% tổng đàn bò thịt toàn Thành phố, quy mô chăn nuôi 1,6 con/hộ.
- 13 xã chăn nuôi lợn có 235.077 con/6.489 hộ, chiếm 23,5% tổng đàn lợn toàn Thành phố, trong đó có 17.537 lợn nái, 214.855 lợn thịt, 385 lợn đực, 2.300 lợn rừng. Quy mô chăn nuôi 36 con/hộ.
- 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có 5.667.079 con /15.017 hộ, trong đó gà là 4.854.329 con/13.647 hộ và vịt, ngan, ngỗng là 812.750 con/ 1.370 hộ, quy mô chăn nuôi 373 con/hộ.
c) Phát triển 3.648 trại/trang trại, trong đó có:
- 42 trại chăn nuôi bò sữa/906 con;
- 97 trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản/2.178 con;
- 1.050 trại chăn nuôi lợn/525.384 con;
- 2.459 trại chăn nuôi gia cầm/7.577.216 con (trong đó 1.388 trại chăn nuôi gà/5.281.726 con; 1.071 trại chăn nuôi vịt /2.295.490 con).
Nhiều trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội đã ứng dụng một phần công nghệ cao như đối với chăn nuôi bò sữa là hệ thống chống nóng, đối với chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm là sử dụng hệ thống chuồng kín; Chăn nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi không chất thải,... Cơ bản các trang trại chăn nuôi trên cũng đều đã áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
3. Tập trung công tác sản xuất giống vật nuôi: Thông qua việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và những giống mới có năng suất, chất lượng cao. Hiện nay cơ bản đã đưa thụ tinh nhân tạo vào sản xuất giống bò, giống lợn và bước đầu thử nghiệm thành công thụ tinh nhân tạo trên đàn gà; Các giống mới đưa vào đã khẳng định được về tính thích nghi, hiệu quả kinh tế như đối với bò thịt là giống Blanc Blue Belge (BBB) của Bỉ, đối với gà là giống D300 của Cộng hòa Czech, đối với lợn là giống Pietrain kháng Strees của Vương Quốc Bỉ, lợn ông bà Landrace, Yorshire, Duroc... có năng suất, chất lượng vượt trội của tập đoàn Gene + Cộng hòa Pháp...
4. Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, đến nay Hà Nội cũng xác định được 8 vùng với 8 sản phẩm chủ lực để tổ chức sản xuất, xây dựng liên kết, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực, đó là: sữa Ba Vì, thịt bò Hà Nội, gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn, trứng vịt Liên Châu, Vịt Vân Đình, vịt giống Đại Xuyên, sản phẩm chăn nuôi của các vùng này sản xuất ra hàng năm khoảng 29,9 tấn sữa; 10.668 tấn thịt bò, 2 nghìn tấn thịt gà; 780 tấn thịt vịt; 47,45 triệu quả trứng vịt; 172 nghìn con vịt giống.... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đã phát huy lợi thế vùng và năng lực của doanh nghiệp mình để đi theo định hướng phát triển chuỗi giá trị và xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm bao gồm 16 doanh nghiệp với khối lượng sản phẩm chăn nuôi của các đơn vị này sản xuất ra hàng năm gồm29.2 nghìn tấn sữa; 215 tấn thịt bò; 11,3 nghìn tấn lợn; 1,2 nghìn tấn gà; 67 triệu quả trứng.
Năm 2016 Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sản phẩm an toàn sản xuất theo chuỗi – truy xuất được nguồn gốc”. Theo đó, các chuỗi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sẽ phải tuân thủ các tiêu chí về ATTP; có hợp đồng sản xuất theo chuỗi; có quy trình quản lý chuỗi, biểu mẫu ghi chép và lưu mẫu sản phẩm. Tất cả thông tin của các chuỗi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này đều được công bố công khai, minh bạch qua các phương tiện thông tin đại chúng.
III. Đánh giá
1. Thuận lợi:
- Đã quy hoạch ngành chăn nuôi của Thủ đô và tổ chức thực hiện quy hoạch một cách đúng đắn. Tạo nên được diện mạo chăn nuôi một cách rõ nét hết sức thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, phát triển các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các sản phẩm chủ lực của ngành, xây dựng nhãn hiệu thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.
- Đã tuyên truyền phổ biến sâu rộng tới người chăn nuôi, các doanh nghiệp về chủ trương định hướng phát triển chăn nuôi, hội nhập quốc tế, nhận thức sâu sắc về tái cơ cấu nghành chăn nuôi, đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết.
- Có thị trường trong nước và các nước láng giềng rất lớn. Lợi thế điều kiện tự nhiên và thời tiết khí hậu thuận lợi hơn các nước trên thế giới có ngành chăn nuôi phát triển như Pháp, Đan Mạch... nên đã là điều kiện tốt để thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi, thu hút được các tập đoàn lớn của nước ngoài như Tập đoàn Gene + của Pháp, Tập đoàn Alliance Genetics Canada quan tâm tìm đối tác để hợp tác phát triển công nghệ đầu tư chiều sâu phát triển ngành chăn nuôi.
2. Khó khăn:
- Đối với tác nhân chăn nuôi
+ Giá thành sản xuất cao, năng xuất chăn nuôi thấp do năng xuất sinh sản của các giống vật nuôi trong nước thấp hơn so với các nước. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều và việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế.
+ Cơ bản đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi do các hộ tự dồn điền đổi thửa hoặc thuê khoán với thời gian ngắn (5 – 10 năm, điều kiện pháp lý về đất đai chưa đảm bảo) nên các hộ chưa thực sự yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
+ Nguồn vốn đầu tư còn thiếu, việc tiếp cận các Ngân hàng để vay vốn còn khó khăn. Mức vốn vay chỉ đáp ứng 20 – 30% nhu cầu đầu tư chăn nuôi.
+ Còn thiếu kỹ năng phân tích thị trường, lập kế hoạch sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế. Cơ bản vẫn theo tâm lý của thị trường nên thường xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”.
+ Việc kiểm soát nguồn thức ăn, thuốc thú y còn khó khăn. Chưa chủ động trong công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh.
+ Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi còn hạn chế do đầu tư chi phí lớn.
- Đối với tác nhân khâu giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm
+ Cơ bản các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn qua khâu trung gian (thương lái). Chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc của lợn/gia cầm.
+ Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thủ công còn phổ biến đã trực tiếp cạnh tranh với những cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung, bán công nghiệp; Thói quen, tập quán tiêu dùng vẫn cơ bản là thịt nóng nên một số cơ sở giết mổ công nghiệp đã đầu tư không hoạt động được hoặc chỉ hoạt động 5- 10% công xuất, bán công nghiệp chỉ đạt 30 – 50% công suất.
+ Còn thiếu các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, nhất là những sản phẩm mà hiện nay người tiêu dùng không còn sử dụng nhiều (nạc thăn, thịt mông, nội tạng,...) nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ sản phẩm.
+ Các cơ sở giết mổ công nghiệp với dây truyền công xuất lớn, hiện đại được nhập khẩu từ các nước phát triển đến nay không hoạt động được do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân do chưa liên kết tốt từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm , vì hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cơ sở chế biến tự nhập lợn mảnh của các lò mổ thủ công về đóng gói bán.
- Đối với tác nhân bán lẻ
+ Việc đầu tư cửa hàng bán thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm phải có trang thiết bị thiết yếu, chuyên dùng như tủ lạnh; tủ trữ đông; tủ bảo quản mát; tủ trưng bày, hệ thống máy tính, phần mềm theo dõi quản lý và cân chuyên dùng,...kinh phí đầu tư mua sắm và duy trì bảo quản sản phẩm là rất lớn (đầu tư ban đầu cho 1 cửa hàng từ 100 đến 300 trăm triệu đồng, chưa kể tiền thuê gian hàng).
+ Các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn đang bắt đầu phát triển mạnh ở các tuyến phố nội ngoại thành, các khu đô thị và cả ở vùng nông thôn, nhưng các mặt hàng khô đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất như nước mắm, mỳ chính, muối, xúc xích, thịt hun khói, thịt khô... thì có rất nhiều, nhưng riêng thịt tươi các loại(ở dạng thịt mát, thịt cấp đông) do các nhà máy sản xuất cung cấp thì không có mà chỉ có rất ít do các chủ cửa hàng tự đi các vùng sản xuất khai thác về đóng gói bán.
+ Hiện nay có nhiều điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống( nóng) ở các khu dân cư, chợ truyền thống, chợ cóc, chợ dân sinh do chi phí rất thấp nên mặc dù chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm có thể chưa đảm bảo nhưng đã cạnh tranh về giá với các cửa hành thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
+ Hệ thống cửa hàng tiện ích chưa phát triển, đây là nơi tiêu thụ sản phẩm chính của chuỗi, nhưng ở nước ta phải có 69.000 người mới có 1 cửa hàng tiện ích, ở Hàn Quốc là 1.800 dân có 1 cửa hàng.
- Về phía các doanh nghiệp tham gia chuỗi
+ Còn thiếu các doanh nghiệp đầu mối của chuỗi đủ mạnh để đảm nhận khâu sơ chế đóng gói sản phẩm thành thành phẩm như thịt mát, thịt cấp đông có nhãn hiệu để cung cấp vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, nhà máy chế biến thực phẩm.
+ Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi mới dừng lại ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng nhỏ lẻ với người chăn nuôi. Chưa có sự hợp tác bài bản giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, cung cấp đầu vào (thức ăn, thuốc…), xây dựng nhãn hiệu nhằm phát triển chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả. Do đó vẫn có sự bị động từ phía người chăn nuôi và doanh nghiệp.
+ Hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi theo một chuỗi giá trị hoàn chỉnh vẫn còn là quan điểm mới. Do đó người chăn nuôi và doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi vẫn có thái độ ”nghe ngóng”. Đồng thời, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang ký kết hợp đồng với từng hộ chăn nuôi trong chuỗi theo hình thức rời rạc khiến mối liên kết trong chuỗi dễ bị phá vỡ.
- Về phía người tiêu dùng
+ Tập quán người tiêu dùng, người dân chưa quen sử dụng các loại thịt mát, thịt cấp đông và có thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống.
+ Người tiêu dùng cứ nghĩ đến thịt đông lạnh là chất lượng không ngon do chưa được sử dụng thịt cấp đông hay thịt mát được sản xuất đúng quy trình.
- Ngoài ra các tác nhân kể trên trong các khâu liên kết thường thiếu tính hợp tác, chia sẻ lợi ích.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)