ĐIỂM NHẤN Công tác quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản 06 tháng đầu năm 2016 tại Hà Nội.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội được UBND Thành phố phân cấp quản lý về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Với sự cố gắng của toàn ngành trong 06 tháng đầu năm 2016 đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

              Trước hết về công tác chỉ đạo, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó nổi bật là có chỉ thị và quyết định ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các quận, huyện, thị xã về công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản. Từ đây sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự quan tâm sâu sát hơn của các cấp chính quyền từ huyện đến xã đều vào cuộc. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã xây dựng, chỉnh sửa và hoàn thiện Chương trình “Kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm bằng phương pháp kiểm nghiệm nhanh tại các chợ đầu mối nông sản, thủy sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2025”. Xây dựng quy định tạm thời tiêu chí, yêu cầu đối với sản phẩm rau, thịt tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.

Tiếp tục triển khai một số chương trình, đề án lớn hỗ trợ công tác đảm bảo ATTP như Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, Đề án phát triển chăn nuôi, Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản. Xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt) trong đó 07 chuỗi rau, thịt với 06 cơ sở với 11 địa điểm bày bán được xác nhận sản phẩm an toàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng VTNN & ATTP nông lâm thủy sản: Các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp đã tổ chức 232 hội nghị/hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng nước sạch và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với 25.135 người tham dự. Phối hợp với cơ quan truyền thống đăng tải 184 phóng sự truyền thanh, truyền hình, 114 tin, bài, 100 pano, khẩu hiệu và cấp phát 18 ngàn tờ rơi tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. UBND các quận, huyện đã tổ chức 440 hội nghị/hội thảo/tập huấn/tọa đàm về chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng nước sạch, an toàn và ATTP nông lâm thủy sản với 17.702 lượt người tham dự; Đã in, phát hơn 50 ngàn tờ rơi, băng rôn, pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về ATTP và các quy định về quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản; Đài phát thanh quận, huyện, phường và xã đã xây dựng các chuyên mục, thường xuyên phát các tin bài tuyên truyền phổ biến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản thuộc lĩnh vực mình quản lý.

          Công tác giám sát, lấy mẫu thẩm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đây là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện vi phạm và cảnh báo các hoạt động liên quan đến chất lượng các sản phẩm. Sáu tháng đầu năm 1016 đã tổ chức giám sát và lấy 1.218 mẫu nông lâm thủy sản. Đã có kết quả phân tích 379 mẫu. trong đó phát hiện 34/379 mẫu vượt mức giới hạn chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chiếm 8,97 %. Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, đã tiến hành truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm. Kết quả, các cơ sở đã có công văn cảnh báo nhà cung cấp, thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng, ATTP của nhà cung cấp.

Công tác hỗ trợ quảng bá xây dựng thương hiệu các nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm nông lâm thủy sản xác nhận an toàn. Hỗ trợ quảng bá qua Bản tin Xúc tiến thương mại nông nghiệp, đã có   94 cơ sở sản xuất an toàn với 100 chủng loại sản phẩm được giới thiệu thông qua Bản tin xúc tiến thương mại nhằm giúp tăng cường quảng bá đến với người tiêu dùng của Thủ đô và cả nước. Thông qua chuyên mục kết nối giao thương của trang Web đã liên tục cập nhật và giới thiệu các cơ sở sản xuất tốt, các sản phẩm an toàn, các kênh phân phối tin cậy. Đã có 100 sản phẩm vùng miền của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; 115 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối được giới thiệu từ đó tăng cường đẩy mạnh công tác quảng bá;

Về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành: lĩnh vực vật tư nông nghiệp và nước sinh hoạt nông thôn ở cấp thành phố kiểm tra 62 cơ sở, kết quả 05 cơ sở xếp loại A, 45 cơ sở xếp loại B, 11 cơ sở không đủ tiêu chí để đánh giá, 100% cơ sở được kiểm tra xếp loại A/B. Cấp quận, huyện, xã, phường đã kiểm tra 683 cơ sở, kết quả 69 cơ sở xếp loại A, 268 cơ sở xếp loại B, 346 cơ sở xếp loại C. Tỷ lệ các cơ sở xếp loại A/B chiếm 49,3%, số cơ sở xếp loại C chiếm tỷ lệ cao 50,7%. Về sản phẩm nông lâm thủy sản, cấp Thành phố đã kiểm tra 220 cơ sở, kết quả 8 cơ sở xếp loại A, 181 cơ sở xếp loại B, 29 cơ sở xếp loại C, 2 cơ sở dừng hoạt động. Tỷ lệ cơ sở xếp loại A/B chiếm tỷ lệ cao (94,5%), cơ sở xếp loại C thấp (4,5%). Cấp quận, huyện, xã phường kiểm tra 665 cơ sở, kết quả 23 cơ sở xếp loại A, 335 cơ sở xếp loại B, 288 cơ sở xếp loại C. Tỷ lệ cơ sở xếp loại A/B chiếm 57,1%, cơ sở xếp loại C cao chiếm 40%./.

Trong hoạt động thanh, kiểm tra, truy xuất, xử lý vi phạm đã tiến thanh, kiểm tra 6.673 lượt cơ sở, kết quả có 718 cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm 10,75%, giảm 1,91% so với cùng kỳ năm 2015.  Xử lý vi phạm, phạt tiền 296 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 1 tỷ đồng, buộc phải tiêu hủy hơn 10 tấn sản phẩm nông lâm thủy sản (259.4 kg rau, củ, 5.200 kg hạt giống, 10.397 kg sản phẩm động vật). Ngoài ra, nhắc nhở, phạt cảnh cáo và yêu cầu khắc phục đối với 422 cơ sở vi phạm lần đầu.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, ngành Nông nghiệp Hà Nội trong sáu tháng đầu năm 2016 cũng tập trung tăng cường về năng lực tổ chức bộ máy cũng như trang thiết bị chuyên ngành. Đã xây dựng, hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản lý phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005 (Mã số Vilas 642 và Vilas 684); Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ định phòng kiểm nghiệm (Mã số LAS NN-77); Được Bộ khoa học và công nghệ thẩm định và cấp phép hoạt động trong lĩnh vực kiểm nghiệm (185/KN) và đang tiếp tục mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm trên một số nền mẫu mới, nâng cao chỉ tiêu được công nhận, chỉ định.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2016, trong lĩnh vực được phân công quản lý, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn tồn tại. Đó là sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ phân tán, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động. Chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính về thu phí, lệ phí trong việc xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Việc triển khai tại các quận, huyện, cán bộ được phân công theo dõi về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và luôn thay đổi vị trí công tác, kinh phí chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao. Vẫn còn tình trạng một số người sản xuất, kinh doanh thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật về ATTP hoặc vì lợi nhuận nên lạm dụng hoặc cố tình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh, chất phụ gia, bảo quản trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; người tiêu dùng thiếu niềm tin về sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2016 và những năm tới đối với ngành Nông nghiệp trong lĩnh vực quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn TP là tiếp tục tham mưu cho Thành phố tăng cường chỉ đạo đến các cấp cac ngành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhất là trong lĩnh vực ATTP. Tăng cường công tác tuyên tuyền để người quản lý, người dân biết và chấp hành các quy định của nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Tiếp tục rà soát, thống kê 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thuỷ sản trên địa bàn, đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất nguồn gốc, thanh kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về chất lượng, ATTP theo đúng quy định của pháp luật.

Chắc chắn với các giải pháp trên được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành Nông nghiệp Hà Nội, công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản tiếp tục có chuyển biến tích cực./.

Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 14958
Tổng lượng truy cập: 28255973