Thời gian qua thời tiết khí hậu ở khu vực phía Bắc nói chung, TP Hà Nội nói riêng đã và đang có những đợt nắng nóng kéo dài, nhiều ngày nhiệt độ ngoài trời lên quá cao tới trên 40OC. Các đợt nắng nóng thường kéo dài sau đó lại kèm theo giông, lốc hoặc mưa lớn vào các buổi chiều tối, nhiệt độ thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đàn gia súc gia cầm.
Trước diễn biến bất thường trên, ngành Thú y Hà Nội đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chống nóng cho đàn gia súc gia cầm trên địa bàn toàn Thành phố:
Về chỉ đạo Chi cục Thú y đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản gửi đến UBND các huyện thị xã chỉ đạo ngành liên quan và UBND các xã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống nắng nóng cho đàn gia súc gia cầm. Giao trạm Thú y huyện có văn bản hướng dẫn và cử cán bộ xuống các cơ sở để trực tiếp hướng dẫn các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về chống nóng cho đàn gia súc gia cầm nhất là ở các vùng, khu chăn nuôi lớn như Ba Vì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Đông Anh, Mỹ Đức … các trang trại chăn nuôi có số lượng đàn gia súc gia cầm lớn, đặc biệt tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi bò sữa vì đặc tình của bò sữa là chịu nắng nóng, nóng kém.
Những giải pháp về chuyên môn được triển khai thực hiện đồng bộ, đó là tập trung thực hiện tiêm phòng bổ sung để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc gia cầm. Đây cũng là giải pháp rất quan trọng để giúp cho đàn gia súc gia cầm có miễn dịch chủ động chống lại mầm bệnh trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Kết quả chỉ tính riếng trong tháng 6/2016 đã tổ chức tiêm phòng cho đàn trâu bò với 3.795 lượt con bằng các loại vác xin Lở mồm long móng và Tu huyết trùng (trong đó LMLM 2.299 lượt con; THT 1.496 lượt con); Đàn lợn tổng số tiêm 272.034 lượt con (trong đó vắc xin LMLM 2.963 lượt con; Dịch tả lợn 114.160 lượt con; Phó thương hàn: 74.329 lượt con; Tụ huyết trùng: 47.812 lượt con; Đóng dấu 3.628 lượt con; Tai xanh 10.204 lượt con, Tụ dấu 18.938 lượt con); Đàn gia cầm đã tiêm 3.132.278 lượt con (trong đó vắcxin Cúm 2.114.347 lượt con; Newcastle 248.796 lượt con; Dịch tả vịt 478.225 lượt con; Tụ huyết trùng: 92.023 lượt con; Gumboro: 198.887 lượt con); Đàn Chó mèo đã tiêm văc xin Dại 21.741 lượt con. Do điều kiện thời tiết nắng. nóng chi cục Thú y đã chỉ đạo các trạm Thú y huyện thay đổi thời gian tiêm phòng vào buổi sáng sớm và chiều tối để đảm bảo chất lượng và hiệu lực của vắc xin.
Công tác Giám sát dịch bệnh và vệ sinh tiêu độc cũng là một khâu được quan tâm thực hiện vì khi thời tiết nắng nóng cộng với mưa lớn sẽ làm môi trường bị ô nhiễm nặng vậy nên công tác giám sát dịch bệnh phải được thực hiện chặt chẽ và thường xuyên ngay từ cơ sở để phát hiện kịp thời và ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan bùng phát. Chi cục Thú y đã chỉ đạo, hướng dẫn Ban thú y bám sát cơ sở, giám sát chặt chẽ biến động đàn, diễn biến dịch bệnh để kiểm soát, phát hiện, báo cáo, khoanh vùng, xử lý không để lây lan diện rộng. Trong đợt mưa lớn vào ngày 24-25/5/2016 trên địa bàn Hà Nội, gây ngập úng diện rộng, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng thống kê thiệt hại, giám sát dịch bệnh, kết quả không có thiệt hại lớn về vật nuôi (có 1.700 gà và 12 lợn bị chết do ngập úng nhanh trong đêm đã được hướng dẫn xử lý tiêu hủy kịp thời), không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Trong tháng đã tiến hành lấy 72 mẫu swabs gộp, 5 mẫu nước, 5 mẫu phân ở các khu vực có nguy cơ cao để chủ động giám sát phát hiện dịch bệnh sớm.
Đi đôi với việc giám sát dịch bệnh một giải pháp chuyên môn hữu hiệu được thực hiện đó là triển khai công tác vệ sinh tiêu độc trên địa bàn TP. Thời gian qua đã tiến hành tổng tẩy uế môi trường với tổng diện tích đã phun tiêu độc 203.751.100 (m2); Diện tích tiêu độc cũng tập trung ở các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao như các vùng chăn nuôi lớn, các khu, trang trại có nhiều gia súc gia cầm, các khu chợ, bãi chăn thả, khu tập trung nhiều rác thải.
Xác định đối tượng đàn bò sữa là con có khả năng chịu nắng nóng kém, khi thời tiết ở nhiệt độc cao nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn, nhều bệnh sẽ xuất hiện nhất là các bệnh về sinh sản, bệnh đường tiêu hóa thậm chí cả các bệnh truyền nhiễm. TP hiện có gần 15 ngàn con bò sữa, Chi cục Thú y đã tập chỉ đạo trạm Thú y các huyện như Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Đan Phương … phối hợp với các ngành liên quan ở huyện tập huấn cho các hộ chăn nuôi, hướng dẫn các hộ cải tạo, nâng cấp hệ thống chống nóng trong chuồng nuôi. Khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật như việc nhập đàn, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, chế độ cho ăn khai thác sữa và vệ sinh chuồng trại trong những ngày nắng nóng. Kết quả trên 3 ngàn hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn TP đã được tăng cường hướng dẫn tập huấn kỹ thuật về các giải pháp chống nóng. Điều quan trọng ở đây là đã nâng cao nhận thức để các hộ chủ động thực hiện việc chống nóng cho bò sữa.
Thời gian qua Chi cục Thú y Hà Nội cũng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và Hà Nội, phối hợp với trung tâm Khuyến nông, trung tâm Phát triển chăn nuôi, đài truyền thanh các huyện thị xã làm nhiều chương trình chuyên đề về chống nóng cho gia súc gia cầm. Nội dung truyền thông cũng được đổi mới ngắn gọn rễ hiểu để bà con nông dân nghe là thực hiện được ngay. Thời lượng cũng được các cơ quan truyền thông tăng lên nhất là ở đài truyền thanh các xã và những ngày nắng nóng cao điểm được truyền thông mạnh. Đây cũng là một giải pháp được bà con nông dân rất ghi nhận và đánh giá cao về công tác truyên truyền kỹ thuật chống nắng, nóng thời gian qua.
Với các giải pháp đồng bộ nêu trên được thực hiện, đến nay mặc dù thời tiết rất khắc nghiệt, Hà Nội liên tiếp có nhiều đợt nắng nóng kéo dài song tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội vẫn được đàm bảo ổn định không có dịch lớn xảy ra. Việc xuất nhập gia súc vẫn được duy trì đảm bảo tốt, trong 06 đầu năm 2016 vẫn đảm bảo nhập về cơ sở 47.095 con trâu bò, lợn 584.627con, gia cầm: 8.683.380 con. Xuất ra ngoài cơ sở trâu, bò 32.987 con; lợn 1.062.629 con, gia cầm 26.904.359 con, động vật khác các loại 30.356 con. Từ kết quả này góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của TP tiếp tục phát triển.
Theo dự bào của Cục Khí tượng thủy văn Trung ương thời gian tới thời tiết còn có những biến đổi thất thường khó lường, nhất là trong tháng 7,8 có thể xảy ra mưa, lũ, giông bão lớn. Chi cục Thú y Hà Nội đang tiếp tục làm tốt công tác tham mưu và đề xuất với Sở Nông nghiệp và PTNT các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm. Đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành liên quan để tiếp tục triển khai các giải pháp chuyên môn cụ thể như tiêm phòng, hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh thú y, chăm sóc nuôi dưỡng, giám sát dịch bệnh. Xây dựng phương án phòng chống bão lũ bảo vệ sức khỏe đàn gia súc gia cầm để triển khai đến các cơ sở. Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, đài truyền thanh các huyện thị xã để đẩy mạnh các hình thức truyên truyền giúp người chăn nuôi chủ động đối phó với điều kiện thời tiết bất lợi.
Chắc chắn với các giải pháp trên được triển khai đồng bộ cùng sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự chủ động, đồng thuận của người chăn nuôi công tác phòng chống nắng, nóng, dịch bệnh trên địa bàn TP sẽ có chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)