Là Thủ đô song Hà Nội lại có điều kiện tự nhiên phong phú với 150 nghìn ha đất đồi gò; 125 nghìn ha đất bãi phù xa, 35 nghìn ha đất đồng bằng và còn lại là đất trũng. Với điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nên ngành chăn nuôi năm 2015 của Thành phố có bước chuyển rõ nét. Năm 2015 đàn gia súc gia cầm phát triển cả về số lượng và chất lượng, nếu tính tổng đàn gia súc, gia cầm hiện Hà Nội có số lượng đứng tốp đầu cả nước, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp.
Về tổng đàn gia súc, gia cầm năm 2015 tổng đàn trâu 24,8 nghìn con; Đàn bò 141,7 nghìn con, trong đó bò lai là 124,8 nghìn con, bò sữa 15,3 nghìn con. Đàn lợn 1,45 triệu con, trong đó lợn nái 156 nghìn con, lợn thịt 1,3 triệu con, lợn đực giống 2,4 nghìn con. Đàn gia cầm các loại có 26,7 triệu con, trong đó gà 16,2 triệu con, vịt, ngan, ngỗng khoảng 10,5 triệu con.
Điểm nhấn đầu tiên là năm 2015 Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đã phát triển được 15 vùng chăn nuôi tập trung gồm 2 vùng chăn nuôi bò sữa, 04 vùng chăn nuôi lợn và 09 vùng chăn nuôi gia cầm. Phát triển 02 vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm gồm Ba Vì và Gia Lâm, tổng đàn tại 2 huyện là 11.545 con chiếm 75,5% tổng đàn toàn Thành phố; sản lượng sữa đạt 32.975 tấn/năm chiếm 81,2% tổng đàn toàn Thành phố. Phát triển 04 vùng chăn nuôi lợn gồm Xã Cổ Đông, Kim Sơn (Sơn Tây); Vạn Thái , Sơn Công (Ứng Hòa); Yên Bình, Thạch Hòa (Thạch Thất); Tân Ước, Kim Thư (Thanh Oai) với tổng đàn 222.292 con, chiếm 15,6% tổng đoàn toàn Thành phố, trong đó lợn nái 14.472 con, lợn thịt 207.492, lợn đực 328 con, quy mô chăn nuôi 44,7 con/hộ. 09 vùng chăn nuôi gia cầm gồm 6 vùng chăn nuôi gà tập trung và 03 vùng chăn nuôi vịt trọng điểm. Cụ thể 4 vùng chăn nuôi gà đẻ, gà thịt công nghiệp có tổng đàn là 4.072.610 con/8.862 hộ. 02 vùng chăn nuôi gà thả vườn có tổng đàn là 888.856 con/5.254 hộ, 03 vùng chăn nuôi vịt có tổng đàn là 733.275 con/1.320 hộ
Bên cạnh các vùng, xã trọng điểm có thể nỏi việc phát triển trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư cũng là một điểm nhấn đáng kể với ngành chăn nuôi Hà Nội trong năm 2015. Đến nay đã phát triển 42 trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn ngoài khu dân cư nuôi 907 con (chiếm 6% tổng đàn toàn Thành phố). Sản lượng sữa là 7.039 tấn/năm chiếm 17% tổng sản lượng sữa toàn Thành phố, quy mô là 18,2 con/trại. Phát triển 835 trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư (chăn nuôi từ 10 con lợn nái và 100 con lợn thịt) với tổng đàn 385.752 con, trong đó lợn nái là 39.369 con, lợn thịt là 345.681con, 702 lợn đực; chiếm 27% tổng đàn toàn TP. Về gia cầm đã phát triển 2.381 trại gia cầm (tiêu chí 1.000 gà đẻ/hộ; 1.000 gà thịt/hộ; 500 gà thả vườn hoặc vịt/hộ) với tổng đàn là 7.094.767 con, gồm 1.411 trại gà, số lượng 4.998.607 con; 965 trại vịt, số lượng 2.096.160 con. Chiếm 27% tổng đàn toàn Thành phố.
Khi phát triển trang trại quy mô lớn, cái được lớn nhất là ứng dụng công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất. Như với phát triển chăn nuôi bò sữa hệ thống chống nóng (78%); máy vắt sữa (85%); máy thái cỏ (100%); Hố, túi ủ thức ăn thô xanh (68%); máy trộn thức ăn hỗn hợp TMR (5%); Sử dụng thức ăn công nghiệp (98%); Hầm Biogas (75%); Chế phẩm xử lý môi trường (65%); Tình hình ứng dụng công nghệ cao tại các trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư: ứng dụng chăn nuôi trong chuồng kín 40%, sử dụng máng ăn, uống tự động 80%, sử dụng thức ăn công nghiệp 83%, sử dụng thức ăn sinh học 13%, hầm Biogas 64%, sử dụng chế phẩm trong chăn nuôi 29%, 16 trang trại sử dụng phần mềm quản lý sinh sản, quản lý chăn nuôi. Tình hình ứng dụng công nghệ cao tại các trại chăn nuôi gà quy mô lớn là 35% ứng dụng chăn nuôi trong chuồng kín, 29% sử dụng máng ăn tự động, 40% sử dụng máng uống tự động, 83% sử dụng thức ăn công nghiệp, 5% sử dụng thức ăn sinh học, 34% sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi, 31 trang trại sử dụng phần mềm quản lý sinh sản, quản lý chăn nuôi.
Công tác phát triển giống gia súc gia cầm năm qua ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm và đã thu được những kết quả lớn. Trong năm 2015 với bò sữa đã phối giống cho 10.751 lượt con (đàn bò sữa tỷ lệ TTNT đạt 100%). Tỷ lệ thụ thai đạt 68,18%. Bò thịt đạt 34.975 lượt con, tỷ lệ 47,3% tổng số bò sinh sản. Đặc biệt giống bò BBB đã phối giống 32.000 liều, số bò phối giống đã khám có chửa 18.000 con số bê sinh ra trên 10 ngàn con. Chất lượng bê sinh ra đạt trọng lượng cao trọng lượng bê sơ sinh trung bình đạt từ 28 – 35 kg. Bê sinh trưởng nhanh, bán giá giống (lúc 4 tháng tuổi) có giá bán từ 13 – 15 triệu đồng/con, cao hơn bê nhảy trực tiếp từ 2 – 3 triệu đồng/con cùng lứa tuổi.
Hà Nội hiện cũng đã đưa tinh phân lý giới tính bò sữa vào đạt kết quả tốt thời gian qua đã phối 1.325 liều tinh bò sữa phân ly giới tính, kết quả bê sinh ra từ tinh phân ly giới tính có trọng lượng tốt đạt 89,9 % là bê cái. Từ kết quả này sẽ giúp việc cải tiến chất lượng giống bò sữa trên địa bàn TP để nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi bò sữa.
Năm 2015 cũng là năm có điểm nhấn về phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Một số mô hình điển hình như trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn), HTX chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai), trang trại chăn nuôi ông Hưng (Thường Tín), ông Thình (Phúc Thọ). Điển hình có 01 hộ nuôi lợn theo hướng hữu cơ, quy mô bình quân 400 con/lứa x 2 lứa/năm; 01 hộ sử dụng thức ăn sinh học dưới dạng thảo dược với quy mô bình quân 500 con/lứa x 2 lứa/năm.
Công tác xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản năm qua được TP xác định là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã tập trung mạnh trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc xây dựng chuỗi liên kết chuỗi chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu đã hình thành, phát triển 21 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm (gồm 8 chuỗi liên kết về lợn thịt; 8 chuỗi liên kết về gia cầm; 4 chuỗi liên kết gồm cả lợn và gia cầm; 01 chuỗi liên kết về bò sữa). Một số sản phẩm của chuỗi đã tạo được uy tín, được nhiều người tiêu dùng biết đến như trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, Thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt lợn sinh học. Riêng năm 2015, đã hình thành thêm 3 chuỗi chăn nuôi – tiêu thụ thịt lợn an toàn được nuôi bằng thức ăn sinh học tại xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), xã Cấn Hữu (Quốc Oai), xã Vân Tảo (Thường Tín). Với sự vào cuộc của các huyện, UBND các xã nhằm gắn chăn nuôi với giết mổ và tiêu thụ ngay tại địa phương, phối hợp với các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm để bán tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn ở các quận nội thành. Với mô hình này đã được hàng vạn người dân Thủ Đô tin dùng và đông tình ủng hộ về phương thức cách làm để sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Năm 2015 đã thành lập 5 Hội chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm gồm gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt Vân Đình. Việc thành lập các Hội là một bước quan trọng nhằm bảo tồn, phát triển ổn định và đưa sản phẩm “đặc sản” của Thủ đô ra tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Điển hình có Hội chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Ba Vì đã lập kế hoạch sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp tiêu thụ. Tổng sản lượng sản phẩm của các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản xuất ra trong năm 2015 đạt 4,5 nghìn tấn thịt lợn; 3,1 nghìn tấn thịt gia cầm; 140 triệu quả trứng gia cầm; 29 nghìn tấn sữa tươi.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được ngành chăn nuôi hiện còn bộ lộ những hạn chế đó là năng suất sản phẩm chăn nuôi còn thấp so với các nước tiên tiến trên giới do công nghệ chăn nuôi còn chưa được đầu tư áp dụng công nghệ cao từ chuồng trại, thiết thị chăn nuôi, con giống, xử lý môi trường. Các khu chăn nuôi tập trung ở các huyện, xã đều đã được quy hoạch, tuy nhiên việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư công nghệ cao là chưa có. Chất lượng giống vật nuôi đã được cải thiện nhưng chưa cao, còn thiếu các trại chăn nuôi lợn giống ông bà, bố mẹ thuần chủng. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến bảo quản sản phẩm chăn nuôi quy mô lớn; Công tác giết mổ gia súc gia cầm còn nhiều bất cập, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn quá lớn (trên 2 ngàn điểm) nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm số lượng chưa nhiều, người tiêu dùng chưa có nhiều địa chỉ tin cậy khi sử dụng thực phẩm an toàn hàng ngày.
Năm 2016 với xu thế Hội nhập toàn cầu, ngành chăn nuôi Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó tập trung đưa công nghệ cao vào các trang trại quy mô lớn, cải tiến chất lượng giống, cải tiến đồng bộ điều kiện chăn nuôi để nâng cao năng xuất. Tập trung nâng cao số cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo vệ sinh thú y để giảm nhanh các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; Phối hợp các ngành, đơn vị liên quan làm tốt công tác kiểm soát giết mổ đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo lợi ích người tiêu dùng; Tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh thú y, rõ nguồn gốc xuất sứ; Phối hợp với các tỉnh, thành phố cả nước trong việc xây dựng vùng phát triển giống gia súc gia cầm, vùng nguyên liệu thực phẩm và thực hiện tốt việc phát triển và tiêu thụ sản phẩm; Đông thời thực hiện đề án chuỗi liên kết từ chăn nuôi giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm.
Hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành sự đồng thuận của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ngành chăn nuôi Hà Nội tiếp tục có bước khới sắc góp phần thúc đầy xã hội phát triển./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)