Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Bài học từ Thanh Trì
Đến nay, Thanh Trì là địa phương duy nhất của TP đã xóa được hoàn toàn các điểm giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) nhỏ lẻ trong khu dân cư.

 Điều đó cho thấy, nếu các cấp chính quyền địa phương sát sao, quyết liệt thì việc khó đến mấy cũng làm được.

Địa phương nào cũng gặp khó
Hiện nay, công tác quản lý giết mổ GSGC của hầu hết các địa phương trên địa bàn TP đều gặp những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, sức cạnh tranh của các lò mổ tập trung, thiếu sức hút để DN đầu tư... Việc trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của TP mà có tới 2.600 điểm giết mổ nhỏ lẻ cũng là một thách thức không nhỏ đối với công tác kiểm tra, kiểm soát của đội ngũ cán bộ thú y. Để làm rõ những nguyên nhân vướng mắc, tại hội nghị về quản lý giết mổ, phòng chống dịch bệnh GSGC mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã yêu cầu các địa phương, các sở, ngành liên quan tìm biện pháp tháo gỡ, nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi của Hà Nội phát triển bền vững. Qua ý kiến đại diện các địa phương cho thấy, địa phương nào cũng có những khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như Gia Lâm, trong quá trình thực hiện quy hoạch  điểm giết mổ tập trung gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mặt khác, sản phẩm của các lò mổ tập trung đã được kiểm soát nhưng thị trường còn hạn chế, mới chỉ  cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị mà chưa thể bán đại trà tới người dân. Trong khi đa số người dân vẫn mua thực phẩm theo thói quen cảm nhận bằng mắt mà không biết xuất xứ, nguồn gốc tại các chợ dân sinh. Hay tại Ba Vì, địa bàn dân cư rộng, hiện chưa có điểm giết mổ tập trung, toàn huyện có tới 250  điểm quy mô hộ tư nhân giết mổ. Đây là một thực trạng khó khăn cho công tác kiểm dịch và truy xuất nguồn gốc GSGC.
\"Phun
Phun thuốc phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Ảnh: Văn Thắng
Ông Đỗ Phú Sơn - Phó phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội chỉ ra một số nguyên nhân của những vướng mắc trên. Đó là việc một số địa phương không bố trí được quỹ đất hoặc không có kinh phí đầu tư xây dựng các điểm giết mổ tập trung. Trong khi lĩnh vực này các DN lại chưa thật \"mặn mà\". Mặt khác, một số điểm giết mổ tập trung đã được xây dựng hiện đại nhưng hiện đang hoạt động không hết công suất là do không có nguồn cung ổn định, rõ nguồn gốc. Lý do là vì mục đích ban đầu là đầu tư để giết mổ xuất khẩu, tuy nhiên kế hoạch này không thể thực hiện được nên đã đội giá giết mổ lên cao. Theo ông Sơn, Hà Nội cần học cách làm của TP Hồ Chí Minh là có chợ đầu mối bán, vận chuyển GSGC đã giết mổ bằng xe chuyên dụng mới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cách làm hay của Thanh Trì
Trong khi các quận, huyện khác đang loay hoay với bài toán làm thế nào để thực hiện việc giết mổ GSGC tập trung thì Thanh Trì đã hoàn thành mục tiêu này và trở thành địa phương đầu tiên không còn điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư. Thành công của Thanh Trì là điều rất đáng để các địa phương khác tham khảo. Theo ông Đặng Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, để có được kết quả ấy là cả một lộ trình với những kế hoạch chi tiết, bài bản. Theo đó, Thanh Trì đã kết hợp linh hoạt giữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách với việc giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân với cộng đồng. Đồng thời, phát huy tối đa quy chế dân chủ cơ sở bằng việc tham khảo, lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của những người đang hành nghề giết mổ. Qua đó, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện để người dân tiếp tục kinh doanh mà không bị gián đoạn, mất khách hàng...
Để làm việc này, Thanh Trì đã ấn định cho các hộ làm nghề có thời gian cụ thể chuyển đổi địa điểm. Sau thời gian trên, nếu hộ nào vi phạm sẽ chịu hình thức xử phạt theo pháp luật. Cùng với đó là việc lãnh đạo địa phương nào có người vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ quản lý địa bàn... Từ cách làm sáng tạo này, Thanh Trì đã tập hợp được sự đồng thuận của người dân khi xây dựng khu vực giết mổ tập trung thuận tiện cho việc kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc GSGC và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bài học được rút ra từ thành công của Thanh Trì là khi các cấp chính quyền sát sao vào cuộc, vừa tuyên truyền, phổ biến vừa lắng nghe theo cách để \"dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra\" thì mọi việc dù khó đến mấy cũng làm được.
Đàm Quân
Báo Kinh tế đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 756
Tổng lượng truy cập: 28305765