Ngày 22/01/2015 Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội. Dự Hội nghị có các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo UBND Thành phố, các Ban của HĐND Thành phố, đại diện các Sở, Ngành liên quan, Lãnh đạo UBND, phòng Kinh tế các huyện, thị xã. Lãnh đạo các xã chăn nuôi trọng điểm, các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cùng đại diện các chủ trang trại quy mô lớn và các cơ quan truyền thông ở Trung ương và Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Năm qua, mặc dù thời tiết diến biến phức tạp, dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn đe dọa, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, sự vào cuộc đồng bộ có hiệu quả của các doanh nghiệp cùng người dân nên ngành chăn nuôi của Hà Nội có bước phát triển ổn định và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng 1,1 - 1,3 lần (đàn bò sữa tăng 1,5 lần); Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 1,3 lần so cùng kỳ; Giá trị chăn nuôi, thủy sản trong sản xuất nông nghiệp năm 2014 đạt 56,48%. Đến nay tổng đàn gia súc gia cầm của TP hiện đứng ở tốp đầu cả nước với tổng đàn bò 140.525 con (trong đó bò sữa 14.745 con), đàn lợn trên 1,4 triệu con, đàn gia cầm trên 25 triệu con.
Những điểm nhấn về phát triển chăn nuôi được các cấp các ngành ghi nhận trong năm 2014 đó là tỷ lệ TTNT tiếp tục tăng lên 45% đối với bò thịt và 63% đối với lợn. Phát triển 69 xã chăn nuôi trọng điểm, gồm 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Số lượng bò sữa là 11.713 con, sản lượng sữa tươi đạt 86 tấn/ngày; Đàn bò thịt 23.082 con; đàn lợn 169.638 con; đàn gia cầm, thủy cầm 5.193 ngàn con. Hình thành rõ 4 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm với tổng đàn 120 ngàn con và 6 vùng chăn nuôi gà trọng điểm với tổng đàn trên 3 triệu con.
Về phát triển trang trại chăn nuôi, đến nay đã có 3.465 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư (trong đó 802 trại lợn, 2.569 trại gia cầm, thủy cầm, 33 trại chăn nuôi bò sữa, 61 trại bò thịt). Chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đã chiếm tỷ lệ 45% trong toàn ngành chăn nuôi TP. Cụ thể với chăn nuôi lợn có tổng đàn là 510 ngàn con, chiếm 36,05% tổng đàn; Chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có tổng đàn 11.516 ngàn con, chiếm 61,3% tổng đàn; Chăn nuôi bò sữa có tổng đàn 11.713 con, chiếm 80,2% tổng đàn; Chăn nuôi bò thịt có tổng đàn 23 ngàn con, chiếm 16% tổng đàn;
Từ hiệu quả trên đã có bước chuyển rõ nét về sản lượng chăn nuôi từ xã, vùng trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Sản lượng sữa tươi đạt 25.000 tấn/năm (chiếm 82% toàn TP); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.151 tấn/năm; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 91.800 tấn/năm, chiếm 30,9% tổng sản lượng thịt lợn toàn TP. Sản lượng thịt gia cầm, thủy cầm xuất chuồng đạt 54.390 tấn/năm, chiếm 67,5% toàn TP; sản lượng trứng đạt 600 triệu quả, chiếm 60% tổng sản lượng trứng toàn TP.
Về tiêu thụ sản phẩm, một trong những việc đặt ra cho các cấp các ngành cần tập trung hơn nữa để thúc đẩy chăn nuôi phát triển cũng như đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Năm qua ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị của Trung ương và các huyện thị xã để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn. Đến nay đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm góp phần tạo ra sự ổn định cho 3.500 hộ chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ, chế biến và cung cấp thực phẩm cho thị trường hàng năm đạt 140 triệu quả trứng gia cầm, 11 nghìn tấn thịt lợn, 3,6 nghìn tấn thịt gia cầm, 100 tấn thịt bò, 30 nghìn tấn sữa tươi được cung cấp qua 500 cửa hàng thực phẩm, điểm phẩm phối, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể.
Bên cạnh đó năm qua ngành chăn nuôi Hà Nội đã có những bước tiến tích cực về phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Đó là tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng giống gia súc gia cầm. Đưa việc sử dụng tinh phân ly giới tính trong chăn nuôi bò sữa với 1.000 liều tinh phân ly giới tính đã có 172 bê sinh ra, trong đó có 148 con là bê cái (86,05%). Khối lượng trung bình của bê sinh ra đạt trên 35 kg được người chăn nuôi ứng dụng tốt. Thử nghiệm cấy truyền phôi bò thịt chất lượng cao (bò BBB); thụ tinh nhân tạo gà (tại trang trại gà Tiên Viên). Triển khai và ứng dụng chăn nuôi theo hướng sinh học trong chăn nuôi lợn, gà. Kết quả đàn lợn thịt khi sử dụng thức ăn sinh học tỷ lệ nuôi sống đạt trên 95 %; chỉ số tiêu tốn thức ăn (FCR) 2,9 - 3,1 kg thức ăn/kg tăng trọng; Khả năng tăng trọng 630-720 g/con/ngày; tỷ lệ thịt xẻ: 83-85%. Đàn gà thịt sử dụng thức ăn sinh học tỷ lệ nuôi sống đạt trên 95%, khối lượng bình quân 2,06 kg/con, tiêu tốn thức ăn 4,5 kg thức ăn/kg tăng trọng; tạo ra 37 tấn thịt gà chất lượng cao, an toàn VSTP và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ chăn nuôi. Với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã và đang tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống chuồng nuôi từ chuồng hở sang chuồng kín.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi Hà Nội cũng còn những thách thức đặt ra trong thời gian tới. Đó là chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Sản lượng sữa mới đạt 4,8 tấn/chu kỳ (nhiều nước đạt trên 7 tấn/chu kỳ). Kết quả xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi mới ở bước đầu số lượng còn thấp (18 chuỗi) so với thực tiễn sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng. Đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi còn thiếu sự bền vững kể cả chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại chăn nuôi lớn. Môi trường chăn nuôi chưa được đảm bảo; các khu chăn nuôi ở các huyện, xã đã được quy hoạch song việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách để các hộ chuyển đổi ra khu chăn nuôi tập trung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác đào tạo nhân lực cho định hướng phát triển công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu với thực tiễn sản xuất.
Về định hướng và những giái pháp phát triển chăn nuôi tại Hà Nội năm 2015 và những năm tiếp theo. Tiếp tục chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó tập trung mở rộng quy mô gắn với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, phát triển sản xuất giống, sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững, an toàn thực phẩm, xử lý môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tạo môi trường sinh thái trong chăn nuôi. Tổ chức liên kết chuỗi chăn nuôi - giết mổ - chế biến- tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chăn nuôi. Thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển chăn nuôi; tăng cường xúc tiến thương mại, hợp tác liên kết với các tỉnh nhằm tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực đến cán bộ và người chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về phát triển chăn nuôi công nghê cao; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh để tạo sự chuyển biến đồng bộ.
Với các giải pháp cụ thể cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành sự quan tâm hơn nữa của người dân chắc chắn ngành chăn nuôi của TP Hà Nội có thêm nhiều bước tiến mới trong thời gian tới.
Nguyễn Ngọc Sơn- PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội