Để chuẩn bị một lượng thực phẩm sạch lớn cung cấp tại thị trường Hà Nội trong dịp tết Nguyên Đán Ất Mùi năm 2015, ngày 26 tháng 12 năm 2014, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội phối hợp với Cục Chăn nuôi tổ chức Hội nghị “về các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi dịp Tết Ất Mùi 2015”. Dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Cục Chăn nuôi; Viện Chăn nuôi, đại diện các cơ quan chuyên ngành như Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên, Trung tâm gia súc lớn Trung ương; Đại diện Lãnh đạo phòng Kinh tế các huyện, thị xã; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Đại diện Chủ trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn thành phố cùng cac cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình ở Trung ương và Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó cục trưởng Cục chăn nuôi và ông Nguyễn Huy Đăng – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chủ trì Hội nghị
Hội nghị đã thông qua và thảo luận với 03 nội dung chủ yếu về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi thể nào để đảm bảo thực phẩm sạch; Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chăn nuôi và xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ cung ứng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thành phố Hà Nội với dân số trên 9 triệu người là thị trường tiêu thụ thực phẩm là rất lớn, nhất là nhu cầu về thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Theo dự báo của Sở Công thương Hà Nội, nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm sẽ tăng mạnh để chuẩn bị cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Ất Mùi. Ba mặt hàng có dự báo mức tăng cao nhất là thịt gà, thịt lợn và thủy hải sản dự báo tăng lên đến 15%. Dự kiến nhu cầu sử dụng thịt hàng ngày trong dịp tết Nguyên Đán khoảng 800 tấn thịt/ngày trong đó thịt trâu bò trên 100 tấn, thịt lợn 500 tấn, thịt gia cầm trên 200 tấn/ngày. Trong khi đó các số lượng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn còn hạn chế, thị trường tiêu thụ thực phẩm còn nhiều trôi nổi; Thực phẩm an toàn cung ứng ra thị trường từ các chuỗi liên kết hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán công khai tràn lan tại các chợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng.
Để đảm bảo lượng thịt an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn Thủ Đô, Hội nghị đã có ý kiến thống nhất đưa những giải pháp để các cấp, các ngành tăng cường thực hiện trong thời gian tới. Đó là nâng cao hàng rào kỹ thuật trong sản xuất cũng như thương mại; từng bước hoàn chỉnh cơ sở pháp lý trong việc khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Kiêm soát được toàn bộ quy trình từ nguồn cung cấp thức ăn, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chất lượng sản phẩm, truy suất được nguồn gốc thực phẩm.
Thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với cải tiến giống, hệ thống giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm và gắn với quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, khuyến cáo người chăn nuôi áp dung các quy trình chăn nuôi VietGAP, chăn nuôi sinh học thân thiện với môi trường.
Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quản lý hệ thống cung ứng thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, người tham gia sản xuất kinh doanh chuỗi sản phẩm chăn nuôi; quảng bá cho người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn địa chỉ tin cậy về thực phẩm an toàn.
Chắc chắn với những giải pháp trên được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo động bộ, sự đồng thuận cao của người chăn nuôi, người tiêu dùng; Hà Nội sẽ có lượng thực phẩm lớn đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên Đán Ất Mùi năm 2015./.
Nguyễn Thị Minh Phương-Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội