Để đáp ứng yêu cầu trên, vai trò của thú y cơ sở khá quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở hiệu quả, giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Thời gian qua, thành phố luôn quan tâm củng cố phát triển mạng lưới thú y cơ sở, điều này thể hiện ở chỗ, trong khi chờ thi tuyển viên chức kỹ thuật chăn nuôi thú y cấp xã, Chi cục Thú y Hà Nội chỉ đạo các trạm thú y quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát và phối hợp với chính quyền cấp huyện, cấp xã tổ chức sơ tuyển, tiếp nhận hồ sơ; Chi cục đã đề nghị và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép ký hợp đồng lao động đối với nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn, thú y thôn, bản. Qua đánh giá sơ bộ, chất lượng cán bộ cán bộ thú y xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, cao đẳng khá cao, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm. Với thú y viên cơ sở, hiện toàn thành phố có 2.444 người đều có trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên và trong độ tuổi lao động. So với tổng số thôn hiện có là 2.654 thôn thì số thú y viên hiện có còn thiếu 210 người, rải rác tại 13/18 huyện, thị xã.
Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Chi cục Thú y Hà Nội đã tham mưu, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố hỗ trợ trang thiết bị, vật tư cho các trạm thú y, ban thú y để thực hiện các nội dung chuyên môn. Với những đề xuất sát với thực tế, Chi cục đã được UBND thành phố và các dự án Vahip, Lifsap, chương trình an toàn thực phẩm của thành phố cấp kinh phí mua tương đối đầy đủ trang thiết bị vật tư như tủ lạnh bảo quản vắc xin, máy động cơ phun thuốc sát trùng, thùng lạnh để bảo quản vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng...; đầu tư máy tính, máy chiếu, máy photocopy để phục vụ công tác tập huấn; với thú y cơ sở được cấp bảo hộ lao động, dụng cụ mổ khám, sơ ranh tự động, kim tiêm, loa cầm tay... để phục vụ công tác chuyên môn. Thống kê sơ bộ, mỗi xã, thị trấn được cấp 1 tủ lạnh bảo quản vắc xin; ngoài 330 máy động cơ phun tiêu độc khử trùng Chi cục Thú y cấp cho cơ sở đang sử dụng, các dự án đầu tư cũng trang bị 368 máy, như vậy, mỗi xã, thị trấn có từ 1-2 máy động cơ tiêu độc khử trùng phục vụ phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Dù còn một số khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nhân lực, nhưng toàn ngành đã nỗ lực khắc phục phấn đấu và đã thành công trên các lĩnh vực như: Phòng, chống, dập dịch bệnh nhanh, không lây lan rộng; kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y được đẩy mạnh; quản lý thuốc thú y đi vào nền nếp; nhận thức người chăn nuôi trong chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học ngày một nâng cao; trình độ cán bộ thú y từ thành phố đến huyện, xã, thôn bản được tăng cường… đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân ngoại thành.
Mới đây, trong buổi làm việc với Chi cục Thú y Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, mặc dù tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước diễn biến phức tạp nhưng trên địa bàn Hà Nội chỉ xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ như lở mồm, long móng và đã được khống chế, xử lý kịp thời. Điều này cho thấy lực lượng thú y viên ở cơ sở đã đóng góp không nhỏ trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩn trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt yêu cầu thú y viên cơ sở tiếp tục phát huy kết quả đạt được và nâng cao tính chủ động trong công việc, đồng hành cùng người chăn nuôi để chăn nuôi giữ vững vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.