Đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2013, tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATTP đã giảm từ 21,2% năm 2012 xuống còn 20,1% năm 2013. Tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép cơ bản đã được ngăn chặn, đẩy lùi; ngộ độc thực phẩm vẫn trong tầm kiểm soát. Tình hình ngộ độc thực giảm so với cùng kỳ.
Tại Hà Nội, với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu với UBND Thành phố ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai công tác phòng chống dịch năm 2013. Đặc biệt, trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và dịch cúm gia cầm, Sở Y tế đã chủ động tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý triệt để không để bùng phát dịch, có biện pháp chủ động ngăn ngừa dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Hà Nội. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất dịch theo mùa, Sở cũng tham mưu với UBND Thành phố có các công văn chỉ đạo kịp thời. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, năm 2013, trên địa bàn Thành phố không xuất hiện một số loại dịch bệnh nguy hiểm, hầu hết các dịch bệnh giảm so với cùng kỳ năm 2012.
Đối với công tác VSATTP, Ban chỉ đạo VSATTP Thành phố đã có kế hoạch chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, các cấp chính quyền triển khai sớm các hoạt động Tết Nguyên đán Quý Tỵ, lễ hội và tháng hành động vì chất lượng VSATTP, trung thu năm 2013. Các lễ hội được triển khai sớm, chủ động tổ chức khám sức khỏe, tập huấn kiến thức, cam kết an toàn thực phẩm cho người chế biến kinh doanh trước khi phục vụ lễ hội.
Trong công tác chỉ đạo đảm bảo ATTP dịp tết, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 700 tấn thịt, trứng, sữa các loại và 4000 tấn rau xanh nhưng đến tết thì lượng hàng hóa tăng mạnh. Thành phố dự trù đảm bảo khoảng 60% nguồn hàng hóa phục vụ dịp tết. Để đảm bảo ATTP về hàng hóa cũng như đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho người dân trong dịp tết, 6 tháng cuối năm 2013, Thành phố đã ký kết với các doanh nghiệp trên địa bàn và 17 tỉnh thành khác. Ngoài ra, Thành phố đã chi trên 13 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc dự nguồn hàng. Theo dự báo, ngoài thực phẩm, rau xanh thì sản phẩm bánh mứt kẹo cũng sẽ tăng (dự báo cần 1.500 tấn bánh kẹo, mứt tết và 100 triệu lít nước ngọt, giải khát, rượu).
Ngay đầu tháng 12/2013, UBND Thành phố đã ban hành chỉ thị giao cho các ngành chức năng trong Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể: tập trung vào công tác thanh kiểm tra. Đến nay, Thành phố đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, đi sâu kiểm tra những cơ sở sản xuất các sản phẩm phục vụ tết như: kiểm tra các làng nghề ở Hoài Đức, Từ Liêm về sản xuất bánh kẹo, mứt, miến…Qua 15 ngày triển khai thực hiện, đoàn đã lấy được 41 mẫu đưa đi giám định sau đó công khai thông tin về chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất trên cổng thông tin của Sở Y tế và hệ thống truyền thanh cơ sở để nhân dân biết; Yêu cầu các xã, phường ký kết với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn sản xuất các mặt hàng phục vụ tết về việc đảm bảo an toàn, đồng thời, yêu cầu các phường, xã phải thường xuyên thanh kiểm tra… Đối với các cửa hàng lưu thông, Thành phố giao 29 đội quản lý thị trường đi kiểm tra, chủ yếu là nguồn gốc các hàng hóa bán trên thị trường. Đối với các nguồn hàng nhập từ bên ngoài, Thành phố đã lập 10 chốt (18 người/ngày) trực 24/24, chủ yếu là ở các chợ đầu mối nhằm kiểm tra kịp thời các nguồn hàng trước khi đưa vào Thành phố; Chỉ đạo kiểm tra các kho, bến bãi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức về phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, đồng thời, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Về tổ chức của y tế dự phòng, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tổng hợp kiến nghị của các địa phương, nhanh chóng sắp xếp, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tăng cường năng lực cho công tác dự phòng.
Đối với công tác VSATTP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện công tác đảm bảo VSATTP. Ban Chỉ đạo VSATTP các cấp cần phối hợp chặt chẽ, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, trong đó, tập trung vào các khâu, mặt hàng trọng điểm; tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về VSATTP, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để toàn thể nhân dân được biết.