Năm 2012, công tác PCGNTT-TKCN tiếp tục được các cấp, ngành trên địa bàn TP tích cực, chủ động triển khai hiệu quả, góp phần hạn chế và giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong năm, Hà Nội chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 5, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động trên 1 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng trực và khắc phục hậu quả. Vận chuyển, giải tỏa trên 200 cây đổ và hàng nghìn cành cây gẫy, trên 300 m3 đất đá. Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã duy trì nghiêm chế độ trực, khắc phục kịp thời 10 cột điện bị nghiêng do mưa bão, 10 hộ dân bị tốc mái tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm; khắc phục 300m đê bị tràn của sông Cầu Ngà, xã Tây Mỗ, huyện Gia Lâm; khắc phục sự cố sạt lở, rạn nứt trên 200m đê sông Nhuệ thuộc xã Hòa Bình, huyện Thường Tín…
Trong công tác tìm kiếm cứu nạn khi có thảm họa cháy rừng, TP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng chống cháy rừng cho 250 lượt người dân sống gần rừng tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức…, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng ứng phó khi có cháy. Trong năm, TP đã huy động trên 15 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và trên 1000 phương tiện các loại tham gia chữa cháy, khắc phục hậu quả 42 vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Cũng trong năm 2012, toàn TP xảy ra 174 vụ cháy, nổ (giảm 30 vụ so với năm trước) làm 13 người chết, 34 người bị thương, thiệt hại ước tính 28 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác PCGNTT-TKCN của TP trong năm qua còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là vẫn còn tình trạng úng ngập ở một số tuyến phố khu vực nội thành, mặc dù đã giảm về số điểm, thời gian úng ngập. Công tác phòng chống cháy rừng còn hạn chế, vẫn để xảy ra nhiều vụ cháy rừng, tập trung ở Sóc Sơn. Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các quận, huyện, thị xã và giữa đơn vị quân đội với các đơn vị khác còn thiếu chặt chẽ. Hoạt động của một số tiểu ban tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành chưa thành nền nếp thường xuyên…
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, công tác PCGNTT-TKCN trong năm qua đã được các cấp, ngành của TP chủ động triển khai, nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết khí hậu, thường xuyên rà soát các điểm xung yếu, trọng điểm về mưa bão, có khả năng cao về cháy nổ, mất an toàn… để xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi có diễn biến xảy ra. Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn TP và các tiểu ban đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động nắm chắc tình hình, tham gia khắc phục kịp thời khi có tình huống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của TP.
Cơ bản thống nhất với những kết quả, hạn chế đã nêu, Phó Chủ tịch đề nghị các đơn vị điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch công tác PCGNTT-TKCN 2013, xong trước 10/5, tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện PCLB-TKCN xong trước 15/5/2013. Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn các cấp, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa đơn vị quân đội với các địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác quản lý trang thiết bị, phương tiện; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm đối với các trường hợp không đảm bảo an toàn về mưa bão, phòng chống cháy nổ, an toàn xây dựng. Cùng với đó, theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn, chủ động để không để xảy ra các tình huống bất ngờ. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cũng yêu cầu các đơn vị quan tâm đến nhiệm vụ phòng chống cháy nổ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nơi tập trung đông người. Nâng cao ý thức về phòng, chống cháy nổ trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Năm 2013, theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, có từ 1-2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội, tập trung trong các tháng 7,8,9. Mùa mưa đến muộn hơn nhưng sẽ có nhiều đợt mưa mạnh kéo dài, trung bình từ 7-9 đợt mưa trên 50mm trong 24 giờ. Cùng với đó, nắng nóng sẽ gay gắt, đỉnh điểm lên đến 39-40 độ, bắt đầu từ tháng 5-7. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi công tác PCGNTT-TKCN phải tích cực, chủ động hơn. |