Theo kết quả quan trắc định kỳ hàng năm của Trung tâm Quan trắc môi trường – Tổng cục Môi trường, chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có xu hướng cải thiện hơn, tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa đáng kể, các chỉ tiêu quan trắc chất lượng nước đối với sông Nhuệ vẫn vượt quá giới hạn B1 của QCVN 08:2008/BTNMT và đối với sông Đáy vẫn vượt quá giới hạn A1 của QCVN 08:2008/BTNMT.
Trong nhiệm kỳ thứ nhất, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã tiến hành 3 phiên họp nhằm thảo luận, đánh giá và thống nhất các giải pháp triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020. Các bộ, ngành Trung ương cũng đang tích cực lập các quy hoạch liên quan như Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Nhuệ - sông Đáy; Quy hoạch hệ thống thoát nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030... Trong năm 2010, các đơn vị liên quan đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 33 cơ sở và 23 khu công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính trên 3,55 tỷ đồng. Năm 2011, tiến hành thanh tra đối với 59 cơ sở ngoài khu công nghiệp và 14 khu công nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh trong lưu vực, lập biên bản xử lý 26 đơn vị vi phạm với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn lưu vực có 43 đơn vị sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường thì đến nay đã có 35/43 cơ sở được chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Đối với 8 cơ sở còn lại, đã có 4 cơ sở đang hoàn thành xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, chờ thẩm định, cấp phép.
Tuy nhiên, việc xử lý nước thải tại các làng nghề, nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư đang là vấn đề đặt ra đối với các địa phương trong lưu vực. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, tới đây, TP sẽ triển khai một loạt các dự án nhằm xử lý nước thải tại nguồn, như: 3 dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, Sơn Đồng và Vân Canh (huyện Hoài Đức), sau khi hoàn thành sẽ cơ bản xử lý nước thải trước khi chảy ra sông. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng xác định nước sông Tô Lịch là nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông Nhuệ, do đó, TP quyết liệt chỉ đạo hoàn thành tuyến đường hai bên sông để hạn chế phát thải, lấn chiếm lòng sông. Cùng với đó, TP triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm tại nguồn như phát chế phẩm sinh học cho các tổ chức, hộ gia đình; triển khai dự án quan trắc ô nhiễm trên sông Tô Lịch và sông Nhuệ với số tiền trên 100 tỷ đồng; đang chuẩn bị triển khai cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng số vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng, giúp bổ cập nước làm sạch sông Nhuệ…
Theo lãnh đạo các địa phương trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, khó khăn trong triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là thiếu nguồn lực, chưa có sự ràng buộc pháp lý để giải quyết những vấn đề mang tính liên vùng, chưa có Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy để các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, thành viên Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy hầu hết là kiêm nhiệm; cán bộ chuyên môn làm công tác môi trường tại các địa phương còn thiếu và yếu về năng lực quản lý…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy Nguyễn Thế Thảo cho rằng, trong giai đoạn 2013-2015, các địa phương trong lưu vực cần đề xuất các dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề, nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia; xác định các cơ sở ô nhiễm môi trường theo thứ tự ưu tiên và xử lý dứt điểm; rà soát toàn bộ các nguồn thải, các điểm nóng, bức xúc về ô nhiễm môi trường trên lưu vực để triển khai xử lý. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, đơn vị và nhân dân; đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy kiến nghị sớm thông qua Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và các Quy hoạch liên quan đến lưu vực trên; quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên lưu vực các sông. Đặc biệt cần có cơ chế đặc thù để thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia công tác bảo vệ môi trường, trước hết là ưu đãi về mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ 2013-2014 cho ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định vai trò và trách nhiệm quan trọng của mình trong việc khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy, và sẽ luôn là một thành viên tích cực, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong lưu vực để thực hiện nhiệm vụ trên.
Nguyễn Văn Hữu Theo HANOI PORTA