I. Giới thiệu chung
Cây hoa hồng (Rosa chinensis) có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, sau đó mới du nhập qua Hà Lan, Pháp, Đức, Bungari và Châu Âu. Hoa hồng du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 16 và được trồng khá nhiều nơi. Với nhiều ưu điểm: màu sắc đa dạng, cành hoa dài, lá xanh, mùi thơm nhẹ, có hoa quanh năm, hoa hồng có thể dùng làm hoa cắt, trồng chậu, trồng bồn và trồng thảm.
Hoa hồng là cây lâu năm, trồng 1 lần có thể cho khai thác từ 8-10 năm, trường hợp thâm canh tốt, có thể lên tới trên 10 năm. Tuy nhiên, thời gian cho năng suất và chất lượng hoa tốt nhất là sau trồng 3-5 năm. Tùy điều kiện thâm canh và tình hình sinh trưởng của cây mà quyết định việc trồng mới.
II. Đặc điểm thực vật học
2.1. Rễ: Thuộc loại rễ cọc, khi bộ rễ lớn phát sinh nhiều rễ phụ, ăn ngang rộng.
2.2. Thân: Thuộc nhóm cây thân bụi thấp, có nhiều cành và gai cong, số lượng gai nhiều hay ít tuỳ thuộc vào các giống khác nhau.
2.3. Lá: Lá kép lông chim mọc cách, xung quanh lá chét có nhiều răng cưa nhỏ, tuỳ theo giống mà lá có màu sắc xanh đậm hay xanh nhạt, răng cưa nông hay sâu hay có hình dạng lá khác.
2.4. Hoa: Có nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau, một số giống có mùi thơm nhẹ, đài hoa có màu xanh.
2.5. Quả: Thuộc dạng quả nang, hình trái xoan, trong chứa rất nhiều hạt.
III. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh
3.1. Ánh sáng
Hồng là cây ưa sáng, nếu trồng ở những nơi thiếu ánh sáng thì cây sinh trưởng, phát triển chậm, màu sắc hoa nhợt nhạt, chất lượng hoa kém.
3.2. Nhiệt độ
Nhiệt độ thích hợp cho hoa hồng từ 20-30oC. Nhiệt độ ban đêm quan trọng hơn nhiệt độ ban ngày, đa số các giống thích hợp với nhiệt độ ban đêm từ 16oC – 25oC. Thấp hơn hoặc cao hơn nhiệt độ này, cây sinh trưởng chậm, sản lượng thấp.
3.3. Độ ẩm
Độ ẩm đất thích hợp cho cây hoa hồng từ 70 – 80% và độ ẩm không khí thích hợp từ 80-90%.
3.4. Đất đai
Đất thích hợp cho hoa hồng là đất thịt hoặc thịt nhẹ, nên chọn những nơi đất cao, không bị ngập úng, đất bằng phẳng, tơi xốp, thông thoáng, pH từ 6,0-6,5.
IV. Một số giống trồng hiện nay
Hoa hồng có hơn 350 loài được phân bố ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hiện nay, ở Việt Nam đang trồng khoảng 50 giống hoa hồng chính. Theo màu sắc có thể phân chúng thành các nhóm giống sau:
1- Nhóm giống đỏ: đỏ thẫm, đỏ nhung, đỏ hồng ngọc, đỏ cờ...
2- Nhóm giống phấn hồng: màu hoa đào, màu đỏ thẫm, màu đỏ quỳ...
3- Nhóm giống vàng: vàng nhạt, vàng đậm, vàng da cam...
4- Nhóm giống hồng sen: cánh sen, hồng nhạt...
5- Nhóm giống trắng:trắng trong, trắng sữa, trắng ngà...
6- Nhóm giống nhiều màu: màu hỗn hợp và rất nhiều màu trung gian...
V. Kỹ thuật trồng, chăm sóc
5.1. Thời vụ trồng
Hoa hồng thuộc cây lâu năm, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào 2 thời vụ chính: vụ xuân (trồng tháng 2 – 4, bắt đầu thu hoa tháng 9) và vụ thu (trồng tháng 9 –10, bắt đầu thu hoa từ tết nguyên đán).
5.2. Kỹ thuật làm đất
Đất làm kỹ, sạch cỏ, nếu đất chặt bí cần phải bón thêm mùn rơm hoặc trấu hun. Sau khi làm đất xong, tiến hành lên luống: cao 30 cm, mặt luống rộng 70 - 80 cm, rãnh luống rộng 30 – 40cm.
5.3. Chọn cây giống
Có thể sử dụng cây giống nhân bằng phương pháp giâm cành hoặc ghép. Cây giâm nên chọn những cây có bộ rễ to, khoẻ, lá xanh, không bị sâu bệnh, cây đã bật mầm. Cây ghép chọn cây có mầm ghép phải đạt 20cm và không sâu bệnh.
5.4. Mật độ và khoảng cách trồng
Trồng hàng đôi khoảng cách 35x30cm, hoặc hàng ba khoảng cách 30x25cm, tương đương với mật độ 5.000- 5.550 cây/1.000m2.
5.5. Kỹ thuật trồng
Khi trồng 1 tay giữ cây, 1 tay lấp đất nhẹ vào xung quanh gốc, ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh làm đứt rễ cây, không để rễ cây tiếp xúc với phân. Trồng xong tưới thật đẫm nước.
Nếu trồng vào những ngày nắng nóng thì phải che bằng lưới đen hoặc rơm, rạ trong khoảng 2 – 3 tuần để cây nhanh hồi phục, nâng cao tỷ lệ sống cho cây.
5.6. Tưới nước
Có 2 phương pháp tưới:
- Tưới mặt: Dùng vòi bơm hoặc gáo tưới vào mặt luống giữa 2 hàng cây. Khi tưới rạch 1 rãnh nhỏ để nước và phân không chảy ra ngoài. Chú ý không làm bắn nước nhiều lên bộ lá và nụ sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh lan truyền.
- Tưới rãnh: bơm nước vào 2/3 các rãnh để 2 – 4h sau đó rút hết nước
5.7. Bón phân
- Lượng phân bón (tính cho 1.000m2):
+ Phân chuồng (phân hữu cơ): 5,5 – 8,5 tấn
+ P2O5: 45-50kg , tương đương 270-280 Kg supe lân
+ K2O: 48-50kg, tương đương 80-90 kg Kali clorua
+ N2: 65-70kg, tương đương 140-150 kg urê
- Cách bón:
+ Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 phân lân, bón trước trồng 5-6 ngày.
+ Khi cây bén rễ hồi xanh (sau trồng 15-20 ngày), tiến hành bón phân thúc. Lượng phân bón trung bình cho 1 lần như sau: (6 kg đạm + 4 kg lân + 4 kg kali)/1000m2/1 lần. Định kỳ 10-15 ngày bón 1 lần.
+ Trước khi thu hoa 15-20 ngày, ngừng bón phân.
- Ngoài ra, cần tưới thêm phân hữu cơ cho hoa hồng và bổ sung phân bón lá cho cây như Pomior nồng độ 0,5% hoặc Atonik nồng độ 0,05%. Phun vào giai đoạn sau mỗi lứa thu hoa và định kỳ 10 ngày 1 lần.
5.8. Kỹ thuật bấm ngọn, vít cành, điều tiết sinh trưởng
- Cách làm như sau: Khi cây cao khoảng 30cm thì tiến hành bấm ngọn để cây phân cành. Lúc này cây có thể có hoa, ta bấm bỏ nụ hoa đó đi để tạo điều kiện cho cành lá phát triển. Đối với những cành dinh dưỡng, cành nhỏ thì áp dụng biện pháp vít cành (uốn cong và bẻ gập cành). Dọc theo 2 bên luống cứ 2m cắm 1 cọc chắc, khoẻ; dùng dây thép căng 2 bên luống theo cọc đã định sẵn, dây thép buộc cao gần bằng mặt luống, dùng tay vít cành xuống dưới dây thép. Mục đích của biện pháp này là hạn chế các cành tăm phát triển, giúp bật được nhiều mầm hoa to, khỏe ở phía gốc của cây.
Lưu ý: Vít cành chỉ áp dụng đối với cây giâm.
5.9. Bao hoa trên đồng ruộng:
Mục đích: Để tránh côn trùng và các tác động của môi trường xung quanh, đồng thời kìm hãm hoa nở trong vài ngày. Có 2 cách bao hoa là bao bằng giấy báo (cắt 1 mảnh giấy báo quấn quanh bông hoa và buộc hoặc dán lại) hoặc bao bằng lưới bao có sẵn.
VI. Phòng trừ sâu, bệnh
6.1. Sâu hại:
6.1.1. Nhện đỏ
- Triệu chứng: Cư trú ở mặt dưới của lá, chích hút dịch trong mô lá tạo thành vết hại có màu nâu, làm cho lá có màu vàng, quăn queo rồi rụng. Trời nóng và khô, nhện sinh sản rất nhanh, nếu có nước mưa thì giảm nhiều.
- Phòng trừ:
+ Cắt bỏ những cành có nhện khi cắt tỉa để tiêu hủy, dùng lưu huỳnh vôi 3-50 Brome diệt trứng và nhện qua đông.
+ Thuốc hoá học đặc trị để trừ nhện đỏ là: Pegasus 500 SC 7 – 10 ml/bình 8 lít nước hoặc Ortus 5SC 10 – 12 ml/bình 8 lít nước, Brightin 1,8EC liều lượng 7-10ml/bình 8 lít… Lượng phun 15 bình/1.000m2 . Phun ngay khi phát hiện có triệu chứng của nhện.
6.4.2. Rệp
- Triệu chứng:
+ Rệp trưởng thành qua đông ở mầm nách lá và mặt dưới lá, sang xuân khi hoa hồng sinh trưởng thì sinh sôi nảy nở trên lá và đọt non, nụ và lá non. Nhiệt độ không khí 20oC, độ ẩm 70-80% sinh sản nhanh nhất, mỗi năm phát sinh 2 cao điểm vào tháng 5 và tháng 10.
+ Rệp thường phá hại trên thân, lá, ngọn cây, đặc biệt rệp sáp phủ lớp trắng sáp, không thấm nước.
- Phòng trừ: Kết hợp biện pháp thủ công (các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá có rệp để tiêu hủy) và biện pháp hóa học (sử dụng Supaside 40ND nồng độ 0,15%, Supathion liều lượng 12ml/bình 8lít, Actara 25WG liều lượng 1g/bình 8 lít… Lượng phun 15 bình/1.000m2) phun cho hoa khi có rệp xuất hiện.
6.1.3. Sâu xanh và sâu khoang
- Triệu chứng: Sâu tuổi nhỏ ăn phần thịt lá để lại lớp biểu bì phía trên. Sâu tuổi lớn ăn khuyết lá non, ngọn non, mầm non. Khi cây có nụ sâu ăn đến nụ và làm hỏng nụ, hỏng hoa. Sâu đẻ trứng từng ổ dưới mặt lá, phát sinh gây hại ngay từ khi cây còn nhỏ đến khi có hoa, nhiều nhất là khi bắt đầu ra hoa
- Phòng trừ: Ngắt bỏ ổ trứng, cắt bỏ hoặc tiêu hủy các bộ phận bị sâu phá hoại và sử dụng các loại thuốc Supracide 40ND liều lượng 10 –15 ml/bình 8 lít, Pegasus 500 SC liều lượng 7 – 10 ml/bình 8 lít, Regent 800WP liều lượng 1g/bình 8 lít… Lượng phun 15 bình/1.000m2
6.1.4. Bọ trĩ
- Triệu chứng: Bọ trĩ chích hút nhựa ở ngọn non, lá non, đặc biệt là nụ, hoa, tạo vết chích trên cánh hoa, cánh dị dạng, hoa nhanh tàn và thối. Chúng thường ẩn trong hoa, lấy phấn hoa làm nguồn thức ăn ưa thích. Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, đạt số lượng cao nhất vào mùa xuân và mùa thu, gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa. Bọ trĩ còn truyền một số virus gây bệnh.
- Phòng trừ:
+ Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt. Trong mùa khô nóng, tưới đều đặng bằng cách phun mưa để luống hoa ẩm, hạn chế bọ trĩ phát triển.
+ Sử dụng Polytrin P 440ND liều lượng 8 – 10ml/bình 8 lít, Selectron 500 ND liều lượng 7 –10ml/bình 8 lít, … Lượng phun 10 bình/1.000m2 , phun cho hoa và thay đổi loại thuốc giữa các lần phun do bị trĩ có sức kháng thuốc cao và mau quen thuốc.
6.2. Bệnh hại
6.2.1. Bệnh phấn trắng
- Triệu chứng: Vết bệnh dạng bột phấn màu trắng xám, bệnh hại trên các lá non, các lá bánh tẻ và cổ bông, bệnh phát triển rất nhanh làm lá biến dạng, thân khô, nụ ít, hoa thường không nở, bệnh nặng cây có thể chết. Bệnh xuất hiện từ tháng 2, hại nặng tháng 3-4. Các giống lá to và mỏng dễ bị nhiễm bệnh như giống hồng đỏ Pháp, Phấn hồng Trung Quốc.
- Phòng trừ: Chọn giống kháng bệnh. Vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá bệnh để tránh lây lan. Làm thông thoáng mặt luống, không trồng quá dày để giảm độ ẩm mặt luống, cây và lá nhận được nhiều ánh sáng. Nếu trồng trong nhà lưới, cần chú ý tăng cường thông gió, giảm bớt nhiệt độ và độ ẩm. Sử dụng Score 250 ND liều lượng 10 ml/bình 8 lít, Anvil 5SC liều lượng 7-10 ml/bình 8 lít, Ridomil 68WP liều lượng 40-50 g/bình 8 lít... Lượng phun 15 bình/1.000m2
6.2.2. Bệnh đốm đen
- Triệu chứng: Vết bệnh hình tròn, bất định, ở giữa màu xám nhạt, xung quanh màu đen. Bệnh thường phá hoại trên lá bánh tẻ, vết bệnh xuất hiện ở cả hai mặt lá, làm lá vàng, rụng hàng loạt. Bệnh thường xuất hiện vào tháng 3, hại nặng vào tháng 4-5, giảm dần từ tháng 9 đến tháng 10 và ngừng hẳn trong tháng 11. Những vùng có mùa đông ấm, bệnh phát triển quanh năm. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, thân, cành non, đế hoa.
- Phòng trừ: Dùng giống kháng bệnh. Sử dụng Daconil 500WP liều lượng 25 mg/bình 8 lít; Anvil 5SC liều lượng 7 –10 ml/bình 8 lít, Funguran-OH 50WP liều lượng 15-20g/bình 8 lít... Lượng phun 10 bình/1.000m2. Có thể phun thuốc phòng bệnh trước khi đọt non xuất hiện và phun liên tục, vụ hè mỗi tuần phun 2 lần, bệnh nhẹ 7-10 ngày phun 1 lần.
6.2.3. Bệnh gỉ sắt
- Triệu chứng: Vết bệnh dạng chấm nổi màu vàng da cam hoặc màu gỉ sắt, hình thành ở mặt dưới lá, bệnh làm lá khô cháy, dễ rụng, hoa nhỏ, cây còi cọc. Bệnh gây hại trên lá, thân, cành, nụ hoa. Bệnh xuất hiện từ tháng 3, hại nặng vào tháng 4-5. Phức bào tử nấm nảy mầm và xâm nhiễm ở nhiệt độ 18-23oC, trên 24oC thì bị ức chế, trên 27oC không xâm nhiễm.
- Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm thông thoáng vườn, cắt bỏ tiêu hủy tàn dư cây bệnh. Sử dụng Kocide liều lượng 10 – 15 g/bình 8 lít, Vimonyl 72 BTN liều lượng 50 g/bình 8 lít, Anvil 5SC liều lượng 7 –10 ml/bình 8 lít...để phun trừ khi phát hiện chớm bệnh. Lượng phun 15 bình/1.000m2
VII. Thu hoạch và bảo quản hoa
7.1. Thu hoạch
- Tiêu chuẩn thu: Tiêu chuẩn thu hoạch phụ thuộc vào từng giống, cự ly vận chuyển và thời vụ. Thông thường, các giống nở chậm thì thu muộn, giống nở nhanh thì thu sớm. Bán tại chỗ hoặc vận chuyển gần thì thu hoạch khi cánh hoa ngoài đã nở, vận chuyển xa thì hái sớm hơn.
- Thời gian thu hái: Nên thu hái vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát
- Vị trí thu hái: Vị trí cắt hoa ảnh hưởng trực tiếp đến độ dài cành, cuống hoa, tới sự nảy mầm chồi dưới vết cắt và số ngày cắt lứa sau. Thông thường chừa lại phần gốc 20-30cm.
7.2. Xử lý sau thu hoạch
Sau khi cắt xong nên cắm ngay cành hoa vào trong nước hoặc dung dịch cắm hoa (cắm sâu 10-15cm), sau đó đưa vào nơi mát, thông thoáng để xử lý sơ bộ (loại bỏ những cành hoa già, cành hoa bị sâu bệnh…)
7.3. Phân loại và đóng gói
Sau khi thu hoa, tiến hành phân loại và đóng gói. Dùng hộp carton có đục lỗ, kích thước 80x50x50cm có thể chứa đư¬ợc 700-1.000 cành. Dùng màng nilon lót dưới đáy thùng để giữ ẩm.
7.4. Bảo quản hoa
Sau khi phân loại có thể thực hiện bảo quản hoa như sau : Ngâm 10-15cm gốc cành hoa vào dung dịch bảo quản trong vòng 4-5 giờ, sử dụng các dung dịch glucoza, sacaroza 3-5%, AgNO3, Chrysal RVB... Sau khi hoa đã được xử lý hóa chất, đưa vào kho lạnh bảo quản ở nhiệt độ từ 2-5oC, độ ẩm 85 – 90%. Có thể tiến hành đảo hoa (1 ngày/ 1 lần) để đảm bảo độ đồng đều nhiệt độ và độ ẩm cho các cành hoa. Bảo quản theo cách này có thể kéo dài độ bền hoa từ 10-15 ngày./.