Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, vụ mùa 2015 thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng, mưa bão gây úng lụt đe dọa trong suốt cả vụ, nguy cơ bệnh bạc lá phát sinh gây hại là không tránh khỏi. Cũng vì mưa bão, nhiệt độ cao, hiệu quả phân bón ở vụ mùa thường thấp hơn vụ xuân, phân bón rễ bị rửa trôi, song lại có nguy cơ khi bón sẽ cung cấp ồ ạt cho cây và dẫn đến mất cân đối trong quá trình hấp thụ, làm giảm sức chống chịu của cây, dịch bệnh sẽ phát sinh gây hại.... Từ những nhận định khó khăn thách thức trên, để đảm bảo sản xuất vụ mùa 2015 an toàn, thắng lợi cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Kỹ thuật làm đất: Do hiện nay nông dân thu hoạch thường để gốc rạ dài, trong khi thời gian từ thu hoạch vụ xuân đến cấy mùa ngắn, gốc rạ chưa kịp phân hủy hết, gây ngộ độc cho đất, đây là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh vàng lá lúa ở vụ mùa. Vì vậy cần tranh thủ thời vụ thu hoạch tới đâu cày, lồng vặn rạ tới đó, càng nhanh càng tốt, giữ nước mặt ruộng và bón bổ sung mỗi sào từ 10 - 15 kg vôi bột, hoặc bón bổ sung một số chế phẩm sinh học làm nhanh phân hủy gốc rạ như: Tri-coderma, phân vi sinh đa chủng, đa chức năng, chế phẩm PenacP..., bón rải đều trên mặt ruộng (theo hướng dẫn ghi trên bao bì) để xúc tiến cũng như hỗ trợ quá trình phân hủy rơm rạ, đây cũng là giải pháp bổ sung hữu cơ cho đất, tránh đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Lưu ý với những nơi đã cấy mà chưa bón, cần phải bón bổ sung ngay.
2. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ trong thâm canh lúa như: Cấy mạ non, cấy thưa, nhỏ dảnh, cấy nông tay, cấy bằng máy, cấy theo phương pháp SRI, ở những nơi chủ động tưới tiêu nên áp dụng gieo thẳng theo hàng. Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để cây lúa khỏe, tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh;
3. Bón phân: Bón phân cho lúa vụ mùa cần tuân thủ nguyên tắc \" nhìn cây, nhìn đất và nhìn trời\". Thực hiện bón phân chăm sóc sớm, tập trung, bón phân theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón cân đối NPK. Khuyến khích sử dụng phân bón NPK tổng hợp và NPK chuyên dùng để đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển cân đối, cây lúa khỏe. Hạn chế bón nuôi đòng bằng đạm ure, nhất là với các giống lúa chất lượng, các giống mẫn cảm với bệnh bạc lá. Lượng và cách bón cụ thể:
+ Bón lót sâu trước khi bừa cấy: bón 100% phân chuồng (hoặc hữu cơ vi sinh) + 100% lân + 50% đạm (hoặc NPK chuyên dùng bón lót cho lúa để thay thế đạm và lân đơn, bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì);
+ Bón thúc đẻ nhánh: khi lúa bén rễ hồi xanh (sau cấy 7 - 10 ngày), bón 50% đạm + 50% kali (hoặc NPK chuyên bón thúc cho lúa, bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì), kết hợp với làm cỏ sục bùn và tỉa dặm vừa tăng lượng ô xi trong đất giúp bộ rễ phát triển tốt vừa đảm bảo quần thể ruộng lúa đồng đều, tạo năng suất cao.
+ Bón thúc đòng: Khi lúa có đòng cứt dán bón nốt lượng phân kali còn lại.
* Lưu ý: Với chân đất cao, đất cát pha dễ bị mất nước nên chia lượng phân bón thúc mỗi đợt làm 2 lần bón cách nhau 5 – 7 ngày. Lúa cấy bằng máy cần tăng lượng đạm bón thúc đẻ nhánh lên 10 – 15%, để tăng số dảnh hữu hiệu/khóm.
4. Điều tiết nước hợp lý: Sau cấy giữ ẩm thường xuyên để lúa đẻ nhánh thuận lơi. Khi lúa đẻ nhánh đạt trên 200 dảnh/m2 thì tháo cạn nước phơi ruộng đến nẻ chân chim, sau đó tưới tháo xen kẽ đến khi lúa có đòng đưa nước trở lại kết hợp bón phân thúc đòng, giữ mực nước nông đến khi lúa chín đỏ đuôi thì tháo cạn để thu hoạch được thuận lợi. Cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết về các đợt mưa bão, phương châm dùng nước tưới cho vụ mùa là \"rút cạn lòng sông, mương, máng; tưới nông mặt ruộng\" luôn đề phòng và chủ động tiêu úng là chính.
5. Phòng trừ sâu bệnh: Một số đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu ở vụ mùa là Chuột và Ốc bươu vàng ở đầu vụ; bệnh Bạc lá, đốm sọc vi khuẩn từ thời kỳ lúa con gái đến trỗ; Sâu cuốn lá nhỏ gây hại thời kỳ làm đòng đến trỗ.... Để hạn chế đến mức tối đa các đối tượng sâu bênh gây hại Bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong quản lý đồng ruộng theo IPM. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của thời tiết và thông báo của nhân viên bảo vệ thực vật tại địa phương để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Một số biện pháp chính phòng trừ Chuột và Ốc bươu vàng như sau:
5.1. Phòng trừ Chuột gây hại: Đối với chuột, các địa phương và bà con nên ưu tiên sử dụng các biện pháp thủ công và phát động phong trào ra quân đồng loạt. Chú ý phát quang bờ, bụi rậm, gò đống làm mất nơi cư trú của chuột. Sử dụng các loại bẫy cặp, bẫy lồng, bẫy dính và chọn các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,... đặt bẫy ở nơi chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng để đánh bắt chuột.
5.2. Phòng trừ Ốc bươu vàng (OBV):
* Tác hại: Ốc ăn phiến lá và lá nõn lúa, ốc hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối, ốc có thể cắn trụi tới tận gốc lúa, cây khó có khả năng phục hồi.
* Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp thủ công:
+ Những ruộng thường xuyên có OBV trước khi cấy ( hoặc gieo sạ), nên khơi rãnh xung quanh ruộng, hoặc làm rãnh trên ruộng, khi tháo nước OBV tập trung xuống rãnh thu bắt dễ dàng. Cày bừa kỹ để diệt OBV.
+ Những khu ruộng liền kề ao, hồ, suối, mương... có nhiều ốc,
ở đầu dòng chảy nên dùng lưới chắn 3 lớp để ngăn ốc xâm nhập vào ruộng
gây hại.
+ Cắm cọc để thu hồi trứng, làm dập nát trứng, làm cho trứng chìm trong nước.
+ Làm bẫy dẫn dụ thức ăn (các loại rong, lá khoai lang, lá khoai môn, khoai sọ,…) bó thành từng bó, thả xuống mặt nước dọc theo bờ ruộng để dẫn dụ OBV đến ăn và thu gom,….
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là khi đưa nước vào tưới dưỡng, phát hiện kịp thời và tổ chức phòng trừ hiệu quả.
* Biện pháp hoá học:
Khi mật độ ốc bươu vàng trên 2 con/m2 thì phải dùng thuốc hóa học để diệt trừ. Sử dụng các loại thuốc ít độc với cá và động vật thủy sinh như: Hoạt chất Niclosamide (Dioto 250Ec, Pazol 700 WP,….) và hoạt chất Saponin(Asanin, Super Fatox, Sapo,…). Pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
* Lưu ý: Khi phun thuốc, ruộng phải có độ ẩm bão hòa, mực nước trên ruộng dưới 5 cm. Thời điểm phòng trừ tốt nhất là trước khi gieo cấy hoặc ngay sau khi gieo cấy.
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý trong sản xuất lúa vụ mùa năm 2015. Bà con nông dân và các cấp lãnh đạo ở cơ sở cần lưu ý chỉ đạo thực hiện theo đúng qui trình kỹ thuật và có những giải pháp phù hợp để áp dụng có hiệu quả./.