Sau 3 năm thực hiện chương trình 02 của Thành ủy, sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp; tuy sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng lương thực cây có hạt tiếp tục tăng, an ninh lương thực được đảm bảo; một số chỉ tiêu chương trình đặt ra đã đạt và cơ bản đạt kế hoạch; một số vùng sản xuất chuyên canh được hình thành và phát huy hiệu quả như các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, các vùng trồng rau an toàn, vùng trồng hoa cây cảnh hoặc các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, các vùng nuôi trồng thủy sản….
Tổng đàn gia súc, gia cầm năm 2013 là 26,06 triệu con, giảm 269.913 nghìn con so với năm 2011; tuy nhiên, tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 đạt 384.478 tấn, tăng 19.478 tấn so với năm 2011. Sản lượng trứng gia cầm năm 2013 đạt 1.005 triệu quả, tăng 421 triệu quả so với năm 2011. Sản lượng sữa tươi đạt 22.808 tấn, tăng 6.508 tấn so với năm 2011. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2013 là 20.800 ha, tăng 300 ha so với năm 2011; Sản lượng sản xuất 75.000 tấn, tăng 6.000 tấn so với năm 2011.
Sau khi xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ xây dựng mô hình điểm của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố đã lựa chọn 3 xã điểm của Thành phố và 15 xã điểm của 15 huyện, thị xã, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã hướng dẫn các xã lập đề án trình UBND Thành phố phê duyệt. Các xã được lựa chọn phần lớn có điểm xuất phát thuộc diện thấp và trung bình của các địa phương (đạt và cơ bản đạt từ 1-3 tiêu chí), hạ tầng kinh tế, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn.
Vừa qua, 19 xã điểm đã lần lượt tổng kết trong tháng 12/2013, kết quả cho thấy hầu hết các xã đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đặc biệt tại hội nghị tổng kết các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã rút ra những bài học bổ ích về công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, về phương pháp bước đi cách làm cho chặng đường tiếp theo của Chương trình trên địa bàn từng địa phương và toàn Thành phố. Tổng kinh phí đề án của 19 xã được phê duyệt là 4.327,8 tỷ đồng.
Bên cạnh những xã điểm, thành phố chỉ đạo xây dựng đề án chung toàn Thành phố và các huyện cũng xây dựng đề án chung của huyện đồng thời tất cả các xã còn lại (382 xã) xây dựng đề án và lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới hoàn thành vào năm 2012. Ngoài các xã điểm đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí đến nay toàn Thành phố còn có 36 xã đạt và cơ bản đạt đưa tổng số Hà Nội đến nay có 55 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, vượt kế hoạch UBND Thành phố giao 7 xã năm 2013 (48 xã); 148 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 156 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí; 42 xã đạt và cơ bản đạt từ 5-9 tiêu chí.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân |
Công trình nhà văn hoá, sân vận động, trung tâm thể thao từ cấp thôn, cấp xã đến cấp huyện ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống đê điều, kênh mương thuỷ lợi luôn luôn được củng cố, nâng cấp, cứng hoá, đảm bảo an toàn trong phòng chống lũ và tiêu úng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo: Đến nay, số hộ nghèo toàn Thành phố còn 45.800 hộ, giảm 70.257 hộ so với năm 2011 (116.057 hộ), tỷ lệ hộ nghèo còn 2,66%, giảm 4,92% so với năm 2011 (7,52%). Trong đó khu vực nông thôn giảm từ 172.850 hộ nghèo năm 2011 xuống còn 42.100 hộ năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn 3,8% năm 2013.
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14,0 triệu đồng năm 2011 lên 23,7 triệu đồng năm 2013. Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang (từ đầu năm 2011 đến nay, Thành phố đã hỗ trợ, sửa chữa được 3.828 nhà hư hỏng của hộ nghèo); mỗi năm, thành phố đã giải quyết thêm việc làm cho từ 136.500 đến 140.000 lượt người lao động nông thôn; tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được 2.500 lao động đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt khoảng 42,1%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm, có 64,84% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Trên 90% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; trên 95% số xã và 30% số thôn có máy tính kết nối internet; 70% số hộ có điện thoại...
Ngay sau khi có kế hoạch của UBND Thành phố và hướng dẫn của các sở, ngành, huyện ủy, thị ủy, HĐND, UBND các huyện, thị xã đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn các xã tiến hành thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Kết quả đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 59.553,9 ha/76.365,1 ha, đạt 78% kế hoạch, trong đó có một số huyện triển khai thực hiện tốt là: Sóc Sơn: 8.991,2/10.126,2 ha, đạt 88,8% KH; Chương Mỹ: 8.447,1/10.443,5ha, đạt 70,9% KH; Mỹ Đức: 7.446,4/7.513,9 ha, đạt 99,1% KH; Phú Xuyên: 6.242,1/8.607,4ha, đạt 72,5% KH; Ứng Hòa: 4.328,8/5.602,8ha... Trong quá trình thực hiện dồn điển đổi thửa, đến nay kết quả sau dồn điền đổi thửa đã dôi dư 1.144,22 ha, trong đó các huyện có diện tích dôi dư nhiều như Sóc Sơn: 741,8 ha; Chương Mỹ: 115 ha; Ba Vì: 95,8 ha; Mỹ Đức 71,12 ha; Thường Tín: 70,7 ha...
Trong thành công của xây dựng NTM ngoài sự quan tâm chỉ đạo, phân bổ nguồn lực từ thành phố còn có phần đóng góp quan trọng của nhân dân, hiến đất làm đường, góp công, góp tiền xây dựng NTM. Trong đó các tổ chức doanh nghiệp, đóng góp 1.786,7 tỷ đồng (trong đó ủng hộ tiền mặt là 390,5 tỷ đồng; ủng hộ các công trình, hiện vật quy ra tiền là 1.243,9 tỷ đồng và 152,3 tỷ đồng là vốn khác). Nhân dân đóng góp: 1.844,5 tỷ đồng (trong đó ủng hộ bằng tiền mặt là 420,1 tỷ đồng; 1.964.013 ngày công quy ra tiền là 323,3 tỷ đồng; 9,55 ha đất thổ cư quy ra tiền là 193,3 tỷ đồng; 416,7 ha đất nông nghiệp quy ra tiền là 704 tỷ đồng và hỗ trợ vật tư, xây dựng các công trình quy ra tiền là 203,8 tỷ đồng). Các huyện huy động nhân dân đóng góp được nhiều như: Đông Anh: 372,7 tỷ đồng; Từ Liêm: 311,1 tỷ đồng; Sóc Sơn: 178,4 tỷ đồng; Chương Mỹ: 125,7 tỷ đồng; Đan Phượng: 124,8 tỷ đồng; Thanh Trì: 117,5 tỷ đồng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở một số cơ sở còn hạn chế; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới, dẫn đến ỷ lại, trông chờ cấp trên. Nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới còn khó khăn, chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trình độ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, không ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế còn khó khăn, như: Ứng Hòa: 16,46 triệu đồng; Mỹ Đức: 17,5 triệu đồng; Thường Tín: 19,5 triệu đồng/người/năm..., Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho biết, trong thời gian qua các huyện đã thực hiện tổng kết nghiêm túc Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, tổng kết xây dựng mô hình nông thôn mới tại các xã làm điểm và công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn thành phố để thấy được rõ bức tranh nông thôn của các địa phương cũng như của thành phố, khi mà người dân sống ở khu vực ngoại thành chiếm tỷ lệ lớn. Kết quả sau 3 năm, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực.
Đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, trong thời gian tới các địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm. Đặc biệt là khơi dậy ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của mỗi người dân. Cổ vũ, động viên người dân đóng góp công sức, vật chất tham gia xây dựng nông thôn mới. Biểu dương kịp thời những mô hình hiệu quả, cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Đặc biệt cần chỉ đạo quyết liệt hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch các loại rau màu thực phẩm, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, các khu vực chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh vệ sinh môi trường. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển, xây dựng NTM. Cần lựa chọn phân kỳ đầu tư hợp lý. Ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là giao thông, thủy lợi nội đồng, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất mới, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát của nhân dân, công khai minh bạch trong thực hiện các đề án xây dựng NTM. Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Tại Hội nghị, Thành ủy Hà Nội đã khen thưởng cho 14 tập thể, 16 cá nhân, UBND TP Hà Nội tặng bằng khen cho 18 doanh nghiệp, 167 hộ gia đình đã có nhiều đóng góp trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy trong giai đoạn 2011 – 2013.