Sau ba năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân”, Từ Liêm đã có 4/15 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành XDNTM vào năm 2015. Để đạt được kết quả này, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác chỉ đạo, từng bước tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Nhìn từ Phú Diễn
Phú Diễn là một trong những địa phương thực hiện khá hiệu quả chương trình XDNTM của Từ Liêm. Nằm trên trục Quốc lộ 32, là cửa ngõ giao thương của huyện, năm 1996 Phú Diễn được thành phố công nhận đạt danh hiệu NTM thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là một trong những thuận lợi để Phú Diễn thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phí Lê Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Diễn cho biết: “Bên cạnh thuận lợi, xã cũng gặp không ít khó khăn như: Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn một số tồn tại, trên địa bàn vẫn còn người sinh con thứ 3. Diện tích đất tự nhiên hạn chế, trong khi dân số đông (38.000 người), tốc đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị, các đoàn thể và nhân dân để mọi người hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong XDNTM. Trong khi thực hiện phải chỉ rõ phần nào do nhân dân đóng góp, phần nào Nhà nước đầu tư. Đặc biệt là phải thực hiện tốt quy chế dân chủ để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao khi thực hiện”.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cũng như xác định rõ nhiệm vụ thực hiện, đến nay, Phú Diễn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2013, UBND xã đã phát động các cơ quan, đơn vị, trường học và nhân dân trên địa bàn mở đợt tổng vệ sinh môi trường và treo cờ Tổ quốc. Tuyên truyền sâu rộng tới các tổ chức, cơ quan đơn vị và nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Kết quả, tại các trục đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng, 100% rác thải được thu gom trong ngày. Các đội xung kích bảo vệ môi trường tiếp tục đảm nhận các đoạn đường tự quản và ngõ tự quản xanh, sạch đẹp.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được người dân hưởng ứng tích cực. Các thôn, tổ dân phố đã tổ chức đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, với 3.793/3.891 hộ, đạt 97,48%. Đầu năm 2013, thôn Đình Quán đăng ký xây dựng làng văn hóa, các thôn còn lại cùng 8 tổ dân phố đăng ký giữ vững danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa trên cơ sở các tiêu chí đã được quy định.
Về đầu tư xây dựng hạ tầng, Phú Diễn đã tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án, công trình XDNTM. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, đã có 4 công trình được thực hiện, trong đó có 2 công trình chuyển tiếp từ năm trước sang, 2 công trình mới khởi công, 4 công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, một dự án đang chuẩn bị khởi công.
Một trong 4 công trình đang được hoàn thiện, đưa vào sử dựng là Trường Mầm non Phú Diễn. Trước đây, do chưa được cải tạo, xây mới, trường chỉ là dãy nhà cấp 4, không có phòng chức năng, trường có 200 cháu với 4 lớp thì cả 4 lớp đi chung một nhà vệ sinh, thiếu phòng học nên trường thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Nhu cầu xây một ngôi trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi là một đòi hỏi bức thiết.
Trước khó khăn này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, một ngôi trường mới với tổng diện tích 700m2, 8 lớp học có đầy đủ các tiện nghi đã được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng. Cô Trần Thị Kim Yến, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Hiện, trường đã được đưa vào sử dụng, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn quốc gia”.
 |
Trụ sở UBND huyện Phú Diễn được xây dựng khang trang.
|
“Đến nay, xã đã đạt 17/19 tiêu chí. Hai tiêu chí còn lại đang trong quá trình hoàn thiện, cố gắng hoàn thành vào cuối năm 2013. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rõ nét; ý thức của người dân không ngừng được nâng lên; 100% số hộ được dùng nước sạch hợp vệ sinh; đường giao thông nông thôn đã được bê- tông hóa; hộ nghèo chỉ còn 42/1.600 hộ; thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm”, ông Phí Lê Bình nói.
Phấn đấu cán đích vào năm 2015
Qua 3 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, tuy thời gian chưa dài nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành của thành phố; sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo tập trung đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đoàn kết chung sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Từ Liêm đã gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc XDNTM.
Xác định việc triển khai chương trình “Phát triển nông nghiệp, XDNTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân” là chủ trương lớn, nhiệm vụ chính trị quan trọng, Từ Liêm đã thành lập hệ thống tổ chức từ huyện đến các xã, thôn, tổ dân phố theo đúng quy định của Trung ương và thành phố. Đặc biệt, từ năm 2012, các xã, thị trấn trên địa bàn đã thành lập tổ dân vận, làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động toàn dân chung sức XDNTM.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đề án XDNTM, huyện chỉ đạo các địa phương lựa chọn từng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cho mỗi giai đoạn trên cơ sở bám sát 19 tiêu chí. Trong đó chỉ đạo quyết liệt các lĩnh vực, vấn đề còn yếu, rà soát các tiêu chí của từng xã, những vấn đề còn vướng mắc để tìm giải pháp khắc phục. Chính vì vậy, các tiêu chí mà các địa phương đạt được đều đảm bảo tính bền vững.
Đến nay, hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý XDNTM, tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo, tiểu ban phát triển các thôn, tổ dân vận các xã đều hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả. Ban chỉ đạo từ huyện đến các xã tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tháng, hàng quý để kiểm điểm công việc. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo; hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết để rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình; biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện, từ đó tạo sức lan tỏa cho các địa phương. Cả hệ thống chính trị tập trung cao độ thực hiện nhiệm vụ XDNTM.
Theo kế hoạch được giao năm 2013, Từ Liêm có 8 xã hoàn thành XDNTM (tăng thêm 4 xã), do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát các tiêu chí của từng xã, những vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí để kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tập trung nhằm duy trì và hoàn thành các tiêu chí đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết giao.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, Từ Liêm đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo được hiệu quả thiết thực của chương trình XDNTM, đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng là, phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, đường lối, không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của XDNTM trong nhân dân; vận động nhân dân chung sức xây dựng thông qua nhiều hình thức, từ việc tham gia trực tiếp vào các phong trào, cuộc vận động đến việc huy động sự đóng góp bằng công sức, tiền của, sự tự ý thức trong xây dựng nếp sống văn minh và bằng tinh thần tự nguyện.
Bà Đỗ Thị Kim Chi, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Từ Liêm cho biết: Sau 3 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội, đến nay, số các tiêu chí của huyện không ngừng tăng lên. Khi mới xây dựng đề án, số tiêu chí các xã đạt được chưa nhiều thì đến nay, đã có 4/15 xã đạt 19/19 tiêu chí. Trong đó, Tây Tựu chỉ đạt 7 tiêu chí vào năm 2010 (thấp nhất huyện) nhưng nay đạt 19/19 tiêu chí. Theo kế hoạch, đến năm 2015 huyện có 80% số xã đạt 19 tiêu chí (tức 12/15 xã) nhưng chúng tôi phấn đấu 15/15 xã đạt 19 tiêu chí.
“Trong quá trình thực hiện, huyện gặp 2 tiêu chí khó, đó là, cơ sở vật chất trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác triển khai các dự án còn chậm so với tiến độ; gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chính sách như thu hồi đất giải phóng mặt bằng hay khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư… Để tháo gỡ khó khăn này, thành phố cần tiếp tục cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai; hỗ trợ vốn theo đúng đề án đã được duyệt”, bà Chi nói.