Thanh Oai đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp

Nỗ lực tìm nhiều hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, nông dân huyện Thanh Oai đã và đang từng bước thành công với những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại xứ đồng Đình Soi, mô hình trang trại trồng hoa lan nhân cấy mô của gia đình anh Nguyễn Xuân Dưỡng ở thôn Thanh Giang (xã Thanh Cao) được Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai đánh giá là mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích hơn 3.000m2 nhà lưới, anh Dưỡng nuôi trồng lan giống dòng Dendrobium thân thòng. Với tổng vốn đầu tư 3 tỷ đồng, anh Dưỡng được huyện Thanh Oai hỗ trợ một phần kinh phí. Hiện, trang trại trồng lan của anh Dưỡng có hơn 100 loại lan, nhiều giò có giá trị lớn lên đến hàng chục triệu đồng, doanh thu từ vườn lan đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Trang trại cũng mang lại việc làm cho 6 lao động với thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Trang trại trồng hoa lan của gia đình anh Nguyễn Xuân Dưỡng (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Trung Nguyên

Một mô hình mới được Sở NN&PTNT Hà Nội đưa về thực hiện tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, đó là nuôi ếch thương phẩm ứng dụng công nghệ vi sinh. Có 2 hộ dân ở xã Liên Châu được chọn tham gia mô hình với quy mô nuôi 45.000 con ếch trên diện tích 1.500m2. Ông Nguyễn Trọng Hải - hộ tham gia mô hình cho biết, nuôi ếch ứng dụng công nghệ vi sinh giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bệnh dịch và cho năng suất cao hơn 20% so với nuôi ếch thông thường. Sau từ 2,5 đến 3 tháng, ếch thương phẩm có trọng lượng 255-300g/con, mỗi năm nuôi được 2 lứa (từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm). Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, mô hình mở ra hướng chăn nuôi mới, tạo ra dòng sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Tương tự, chị Bùi Thị Lan Anh (thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương) sau khi tìm tòi, học hỏi đã mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế với mô hình trồng măng tây và cây sung Mỹ trên diện tích 8ha, tại xứ đồng Cửa Cầu, Đường Ngang, thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương) và xứ đồng Gò Đất, thôn Hoàng Văn Thụ (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai). Chị Lan Anh cho biết, đầu năm 2019, được chính quyền địa phương hỗ trợ, chị đã liên kết với 130 hộ nông dân ở xã Hồng Dương và Dân Hòa để triển khai mô hình, đồng thời đầu tư 7 tỷ đồng để mua giống, cải tạo đất, làm kênh mương… Hiện, cả măng tây và cây sung Mỹ bắt đầu cho thu hoạch sản phẩm, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, sau khi được phê duyệt quy hoạch, các xã, thị trấn đã chuyển đổi được 1.457,82ha. Nhiều mô hình chuyển đổi cho giá trị thu nhập cao gấp hơn 5 lần so với cấy lúa truyền thống, như: Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy cầm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư mang lại 1 tỷ đồng/ha/năm... Đặc biệt, huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như: Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ở Tam Hưng; nuôi tôm càng xanh, cá chép theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi ếch theo công nghệ vi sinh ở Liên Châu…

“Thời gian tới, huyện tập trung duy trì các vùng nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung và phấn đấu mở rộng diện tích chuyển đổi thêm 95ha. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ các cơ sở, người sản xuất nắm bắt nhu cầu thị trường, ký kết được những hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập cho nông dân", ông Nguyễn Trọng Khiển thông tin thêm.

Nguồn: Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6002
Tổng lượng truy cập: 28180619