Huyện Gia Lâm (Hà Nội)
Những chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này đã thu hút đông đảo sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân tại khắp các địa phương. Không chỉ hăng say lao động sản xuất, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, xếp loại, người dân tại các địa phương trên địa bàn toàn thành phố còn có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo hơn để phù hợp với tình hình thực tiễn và bắt kịp xu hướng phát triển…Thay đổi tư duy, nhận thức

Thay đổi tư duy, nhận thức

Vài năm gần đây, đến thăm huyện Gia Lâm (Hà Nội), mọi người đều cảm nhận được sự thay đổi rõ nét về hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá. Các câu chuyện của bà con nông dân không chỉ quanh quẩn với việc tìm cách nâng cao năng suất cây trồng, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản mà giờ đây đã rôm rả hơn về việc làm cách nào để mở hướng làm giàu phù hợp với từng vùng đất, nghiên cứu biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp…

Tham gia trồng hoa, cây xanh, tổng vệ sinh môi trường khu vực hai bên đầu cầu đoạn bắc qua sông Cầu Bây tại thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn để tạo cảnh quan sạch đẹp, hàng trăm người dân, lãnh đạo các cấp chính quyền cùng các đoàn viên thanh niên đã làm việc với tinh thần vui vẻ, hăng say; không khí vui tươi, nhộn nhịp như ngày hội toàn dân bao chùm khắp một vùng. Bà Đinh Thị Hòa, ở Đa Tốn, hồ hởi chia sẻ: "Mấy năm trở lại đây, nhờ chính sách xây dựng NTM của thành phố, người dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều về cơ sở vật chất như: Hệ thống đường làng ngõ xóm được bê tông hóa; trường học xây dựng khang trang, sạch đẹp. Môi trường nông thôn luôn được đảm bảo vì ý thức của người dân từng bước được nâng cao, trên khắp địa bàn thôn không còn tình trạng vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Đặc biệt, trong mỗi dịp kêu gọi người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, tất cả mọi người đều tự giác, tích cực. Hầu hết bà con nhân dân đều nghĩ rằng, môi trường sạch, không khí trong lành thì người đầu tiên được hưởng lợi chính là mình nên ai lấy đều nhiệt tình, coi việc chung như việc của gia đình để hoàn thành một cách tốt nhất".

Sự đồng thuận của người dân chính là điều kiện tiên quyết khiến những việc tưởng như rất khó nhưng vẫn thành công. Nắm bắt được tâm lý của đông đảo người dân mong muốn góp công, góp của để xây dựng NTM nên khi huyện phát động và nhân rộng mô hình “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường ngõ xóm” đông đảo người dân đã tham gia. Toàn huyện có 284 hộ dân tham gia hiến đất tập trung tại các xã: Lệ Chi, Kim Sơn, Đình Xuyên, Đặng Xá… và đã hiến được 2.260m2 đất ở, 31.530m2 đất nông nghiệp làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, kênh mương; đóng góp hơn 22.000 ngày công lao động.

Ông Vũ Văn Hợp, ở xã Đông Dư chia sẻ: "Khi có chủ trương và sự hỗ trợ của thành phố về xây dựng NTM, tất cả người dân chúng tôi đã tự nguyện đóng góp ngày công và tiền của để cải tạo và xây dựng mới các tuyến đường thôn, xã. Các con đường bê tông lâu ngày bị xuống cấp được thay mới bằng đường nhựa, rộng rãi, sạch đẹp góp phần tạo lên diện mạo mới cho vùng nông thôn".

Xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở việc bổ sung, nâng cấp những công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm mà còn "gieo mầm" việc nâng cao ý thức tự giác trong nếp sống của từng người dân, mỗi gia đình, thôn xóm. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Gia Lâm đã vận động nhân dân tích cực thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đến nay, 100% đám cưới trên địa bàn huyện không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày. Bên cạnh đó, việc hiếu cũng không ăn uống linh đình tốn kém, không dùng thuốc lá; đồng thời, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu tạo chuyển biến lớn trong đời sống văn hóa nông thôn.

Ngoài ra, để nâng cao đời sống tinh thần, nhân dân trên địa bàn huyện cũng tích cực tham gia các câu lạc bộ thể thao như: Câu lạc bộ bóng chuyền hơi; bóng cửa; cầu lông. Các xóm đều có đội văn nghệ xung kích hoạt động rất sôi nổi, thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu vào dịp hội làng, ngày lễ kỷ niệm trong năm.

Từng bước phát triển kinh tế nông thôn

Với quan điểm, phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, nông nghiệp đô thị sinh thái, trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm, huyện Gia Lâm đã ban hành Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh” và phê duyệt “quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tại 20 xã, thị trấn”. Đồng thời, huyện cũng ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng và phát triển sản suất nông nghiệp.

Nhờ đó, đến năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản trên địa bàn huyện đạt 212 triệu đồng/ha canh tác; giá trị sản xuất rau, quả tại các vùng chuyên canh đạt 500-700 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình trồng cam Báo Đáp (xã Kiêu Kỵ) cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha. Cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Gia Lâm chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng; diện tích nông nghiệp thực hiện chuyển đổi theo quy hoạch đạt 1.364,64 ha; diện tích lúa giảm dần; diện tích rau an toàn duy trì 407ha; diện tích cây ăn quả, hoa, cây cảnh tăng, đạt 1429,9ha… Huyện Gia Lâm tập trung cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện ATTP đạt 1.081,17ha (đạt 88%). Hiện tại, huyện có bốn sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ xét, công nhận bảo hộ đối với các sản phẩm: Chuối Kim Sơn, cam Báo Đáp, gạo nếp cái hoa vàng Dương Xá, quả Đa Tốn, măng tây và cải xanh xã Yên Viên.

Huyện cũng đã hình thành 17 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cùng 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Mô hình rau thủy canh Đa Tốn; mô hình chăn nuôi lợn theo hướng sinh học; mô hình chuỗi liên kết sữa HTX Phù Đổng; chuỗi liên kết rau an toàn tạiVăn Đức, Đặng Xá. Hiện nay các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã được ký kết hợp đồng tiêu thụ khoảng 20 đến 25% sản lượng với các tổ chức kinh tế và có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Metro, Aeon mall và xuất khẩu vào Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong chăn nuôi, huyện Gia Lâm hiện có 123 trang trại quy mô vừa và lớn. Trong đó, có 83 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn. Tiêu biểu phải kể đến mô hình chăn nuôi lợn theo hướng sinh học của Công ty Cổ phần Hải Nguyên tại xã Lệ Chi; mô hình chăn nuôi xa khu dân cư tại xã Văn Đức...

Nói về kết quả thực hiện Chương trình 02 của huyện Gia Lâm, đồng chí Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện, nhấn mạnh: "Có thể khẳng định, việc triển khai chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân từng bước được cải thiện. Đến nay, 20/20 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Qua rà soát, tự đánh giá tiêu chí huyện NTM, huyện Gia Lâm có 8/9 tiêu chí đạt, một tiêu chí cơ bản đạt theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM quy định tại Quyết định số 558/QĐ-CP ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả ấy sẽ tiếp tục được huyện duy trì và nâng cao chất lượng để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, duy trì huyện đạt chuẩn NTM theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại".

Nam Trang - Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Người dân tích cực tham gia các buổi lao động công ích tại địa phương

Theo Hanoimoi.com

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 70054
Tổng lượng truy cập: 27740769