THÀNH PHỐ HÀ NỘI CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng biến đổi phức tạp. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp. Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp CNC bởi đây là nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của cả nước.

Ngoài ra, số lượng các doanh nghiệp, nhất là những “ông lớn” có tiềm lực đầu tư, số lượng ngân hàng và các tổ chức quốc tế cũng tập trung khá đông. Do đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những vấn đề được thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo suốt thời gian qua.

Năm 2017 được Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” lựa chọn là năm chuyên đề mở rộng quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng CNC. Tại hội nghị giao ban quý I/2017 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, các địa phương cần khắc phục hạn chế trong phát triển nông nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Các sở, ban, ngành sớm hướng dẫn cụ thể hóa các chính sách, có chính sách ưu đãi đặc thù, nhất là trong việc tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng một điểm ứng dụng  của thành phố. Các địa phương chủ động tìm hiểu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng mô hình phù hợp theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để tạo điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp, thuyết phục doanh nghiệp, người dân tham gia.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, trong hơn một năm qua bức tranh nông nghiệp nói chung và nông nghiệp CNC của Hà Nội đã có nhiều gam màu mới. Sản xuất nông nghiệp của Thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 35.133 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) và đạt 43.110 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 4,44% so với năm 2015. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,1%. Tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,8%; trong đó: Trồng trọt tăng 0,6%, chăn nuôi tăng 4,4%, thủy sản tăng 6,4%. Cơ cấu về giá trị sản xuất năm 2017: Trồng trọt, lâm nghiệp 44,40%; chăn nuôi, thủy sản 52,56%; dịch vụ nông nghiệp 3,04%.

Việc ứng dụng CNC đẫ được đẩy mạnh trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cho năng suất vượt trội, giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm như: Sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 123 mô hình ứng dụng CNC; giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt chiếm khoảng 18%, chăn nuôi là 34%. Trong lĩnh vực trồng trọt, cả 4 loại cây chủ lực là rau, hoa, cây ăn quả và cây chè đều đẩy mạnh ứng dụng CNC. Tại các vùng trồng rau đã có 119 ha nhà lưới, 15 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và 05 nhà sơ chế rau. Trong canh tác hoa, các hộ dân và cơ sở kinh doanh đã đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới và ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Tiêu biểu như Hợp tác xã Đan Hoài, Công ty Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng), HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) đã đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nước, điều hòa nhiệt độ, độ ẩm để trồng các loại hoa cao cấp như hoa ly, hoa lan, mang lại giá trị kinh tế cao. Về cây ăn quả, có hơn 900 ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng CNC (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn Thành phố), tập trung ở các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn (huyện Chương Mỹ), Cam canh (huyện Thanh Oai), Nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm), Chuối tiêu hồng (ở các xã Tự Nhiên huyện Thường Tín, xã Văn Khê huyện Mê Linh, xã Trung Châu huyện Đan Phượng, xã Cổ Bi huyện Gia Lâm). Diện tích trồng Chè ứng dụng CNC trên 300 ha (chiếm 10,2%), điển hình như xã Ba Trại, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) đã sử dụng giống mới giá trị và chất lượng cao, sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ, thuốc thảo dược để chăm bón và ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất trồng trọt cũng được tăng cường, năm 2017 toàn Thành phố có 5.676 máy làm đất (tăng 938 máy so với năm 2013), 281 máy gieo cấy, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, 877 máy gặt đập liên hợp. Đưa tỷ lệ cơ giới hóa về làm đất 97%, gieo cấy 2,55%, phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ 46%, thu hoạch bằng máy 85%.

Trong lĩnh vực chăn nuôi đã đẩy mạnh ứng dụng CNC từ khâu chọn giống, xây dựng chuồng nuôi và hệ thống xử lý môi trường. Theo đó nhiều giống gà, lợn ông bà, bố mẹ đã được nhập từ nước ngoài để cải thiện đàn giống trong nước; từng bước ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với đàn bò, lợn và gà. Riêng chăn nuôi lợn đã có 02 trại chăn nuôi quy mô lớn sử dụng biện pháp xử lý môi trường theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Huyện Phúc Thọ đã thu hút Công ty TNHH Ba Huân xây dựng Nhà máy xử lý và chế biến trừng gia cầm công nghệ cao. Mới đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đón tin vui khi Trung tâm Sản xuất tinh bò chất lượng cao tại xã Phù Đồng, huyện Gia Lâm chính thức đi vào hoạt động. Dự án có quy mô 40 - 50 bò đực giống sản xuất tinh với dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất tinh bò đông lạnh cọng rạ tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong lĩnh vực thủy sản đã đưa ứng dụng CNC vào sản xuất như: ứng dụng làm giàu oxy bằng quạt nước trên diện tích 4.200 ha, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước trên 600 ha và sử dụng công nghệ biofloc gần 12 ha.

Từ những kết quả đạt được cho thấy việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp là một hướng đi đúng và đem lại hiệu quả cao rõ rệt so với cách làm truyền thống. Trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Thành phố đến năm 2020 sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng CNC để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5842
Tổng lượng truy cập: 28234112