Với 4 huyện và 294/386 xã đạt chuẩn NTM, đến nay TP Hà Nội đang tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu phấn đấu có thêm tối thiểu 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 4 huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất hoàn thành tiêu chí huyện NTM năm 2018.
Quyết liệt ngay từ đầu
Ngay từ những tháng đầu năm 2018, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành, BCĐ các huyện, thị xã tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, nghiêm túc Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 188/KH-UBND của UBND TP. Theo đó, BCĐ TP và Tổ công tác giúp việc BCĐ thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện, đặc biệt đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018.
Theo Phó Chánh Thường trực VPĐP NTM, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương, hầu hết các xã đăng ký về đích trong năm 2018 không có “điều kiện” như các xã đăng ký trong những năm trước và chủ yếu gặp khó khăn ở các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, cần nguồn kinh phí đầu tư lớn. Cùng với đó, những đòi hỏi cao hơn đối với các tiêu chí xã NTM theo Quyết định 1980 đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với các địa phương. Ngay cả việc hoàn thiện hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn cũng phải trải qua một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự chặt chẽ. Do đó, việc cán đích đúng hẹn hay không đòi hỏi sự nỗ lực, quyết liệt ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị từ TP đến tận các xã.
Thực tế, trong đợt kiểm tra tiến độ ở 16 huyện, thị xã vừa qua đã thể hiện rất rõ những khó khăn ở từng địa phương. Điển hình như huyện Phú Xuyên, năm 2018 huyện phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nhưng trong 5 xã này có đến 7 trường và rất nhiều nhà văn hóa thôn chưa đạt chuẩn. Ở một số xã hệ thống đường giao thông chưa bảo đảm tiêu chí. Chưa kể, mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo quá cao so với chuẩn đặt ra, vấn đề môi trường và ATTP còn nhiều bất cập, việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Đó cũng là khó khăn chung đối với các xã ở các huyện xa trung tâm như Thường Tín, Ứng Hòa, Ba Vì hay thị xã Sơn Tây. Thậm chí, huyện Gia Lâm dự kiến về đích huyện NTM trong năm 2018 cũng đang vướng ô nhiễm khu vực sông Cầu Bây và để khắc phục tiêu chí này không hề đơn giản.
Ngoài mục tiêu đưa 26 xã về đích NTM năm 2018, ngày 3.1.2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án quy hoạch xã NTM điển hình tiên tiến tại xã Đông Hội (Đông Anh) và xã Võng Xuyên (Phúc Thọ). Trên cơ sở đó, VPĐP xây dựng NTM Thành phố cùng với một số sở, ngành liên quan đã tiến hành làm việc với xã Đông Hội và xã Võng Xuyên để thống nhất nội dung thực hiện. Đồng thời, phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí điển hình tiên tiến trước khi trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Trong quá trình kiểm tra đã cho thấy những vấn đề cấp bách đặt ra ở cả hai xã. Đặc biệt, đối với Võng Xuyên trong thách thức về việc quy hoạch nghĩa trang, quy hoạch sản xuất.
Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, bởi những khó khăn đó mà Thành ủy, UBND TP đã ban hành nhanh và kịp thời rất nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình. Trong số đó là Quyết định số 1041/QĐ-UBND ngày 08/3/2018 phân bổ 250 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân năm 2018. Đây là động lực lớn, thể hiện sự quyết tâm ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị từ TP đến các xã để hoàn thành mục tiêu của năm 2018.
Tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm
Trước những thách thức đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm mục tiêu của năm 2018.
Trong phát triển nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các huyện đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Trong xây dựng NTM, đề nghị các quận tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng NTM. Đối với các xã đã đạt chuẩn cần có kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí, chủ động xây dựng đề án quy hoạch xã NTM điển hình tiên tiến. Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2018 tiếp tục hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, khẩn trương hoàn thành tiêu chí huyện NTM, hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP xem xét, để trình BCĐ Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đồng thời, các sở, ngành tham mưu để UBND TP sớm ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Trong nhiệm vụ nâng cao đời sống người dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tập trung thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng nhanh năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Dự kiến đến tháng 6.2018, TP Hà Nội sẽ tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy. Do vậy, Sở NN và PTNT Hà Nội có nhiệm vụ hoàn thành dự thảo Báo cáo sơ kết, trình BCĐ TP, tham mưu tổ chức hội nghị sơ kết. Đây sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng từ TP đến từng huyện, xã, vừa là dịp để các địa phương nhìn lại những thành tích đã đạt được cũng như trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng NTM để kịp thời phát huy, hướng đến thành công lớn hơn trong năm 2018.
ĐÀO CẢNH
BOX:
“3 tháng đầu năm 2018, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đạt kết quả cao, toàn TP đã xây dựng được 120 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 15 mô hình và 95 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tăng 24 mô hình so với cuối năm 2017. Đến nay, TP Hà Nội có 4 huyện đạt chuẩn NTM và 294/386 xã NTM. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM đã và đang duy trì và nâng chất các tiêu chí. Đó là những tín hiệu tích cực, tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương trong thời gian tới”.
Chánh VPĐP NTM Hà Nội, Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ