Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 hôm 30/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Nông thôn mới phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu và lan tỏa các giá trị bền vững”. Nói cách khác đó là Nông thôn giàu. Giàu từ chính cuộc sống của mỗi nông dân, chứ không phải trên báo cáo phong trào.
|
Ảnh minh họa |
Phải thừa nhận rằng với nguồn vốn huy động gần 851.400 tỷ đồng 5 năm qua, trong đó ngân sách Nhà nước bố trí hơn 98.660 tỷ đồng, chiếm hơn 11,6%, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang lại một kết quả đáng mừng là đã có 2.045 xã (chiếm 23%), 24 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Riêng Hà Nội, 5 năm qua đã huy động gần 24.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách các cấp hơn 18.000 tỷ đồng, vốn huy động hơn 5.800 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, TP có hơn 200/386 xã đạt chuẩn NTM (chiếm hơn 52%), vượt 12% so với kế hoạch đề ra. Đan Phượng là huyện đầu tiên được công nhận huyện NTM, sắp tới sẽ là 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức.
Có thể thấy cái được của NTM là điều không thể phủ nhận. Bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, điều mọi người quan tâm lại là những tồn tại, hệ lụy từ cách làm chạy theo phong trào, bệnh thành tích ở một số địa phương. Đã có lúc, câu chuyện NTM như bức tranh nham nhở với nhiều màu sắc, đường nét, mảng miếng sáng tối khác nhau, để lại cho người trong cuộc - tức đa số nông dân những tâm trạng vui buồn khác nhau. Tại phiên họp đầu tháng 7 vừa rồi, khi góp ý cho Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng NTM, nhiều đại biểu đã tỏ ra băn khoăn: Liệu kết quả đạt được sau 5 năm xây dựng NTM đã thực sự là cái người dân cần và họ mong muốn được thụ hưởng hay không? Xây dựng NTM để làm gì? Vì ai và cần thực hiện như thế nào để đạt mục đích đề ra? Đó là những câu hỏi cần được nghiêm túc xác định lại sau hơn 5 năm thực hiện chương trình. Bởi, trong số hơn 2.000 xã về đích NTM kia, không ít xã đang phải gánh nợ hàng tỷ, thậm chí là hàng chục tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Vì chạy theo phong trào, muốn về đích sớm mà nhiều địa phương đã huy động sức dân quá mức, huy động cả người nghèo, người già, khiến họ thêm khánh kiệt. Làm như vậy, bộ mặt NTM tuy có khởi sắc với các công trình bề thế nhưng đời sống của người dân vẫn chưa thực sự được cải thiện, ý nghĩa của NTM vì thế mà cũng phần nào chưa trọn vẹn. Câu chuyện lạm thu sau nhiều lần gây nóng dư luận, được Chính phủ chấn chỉnh, tưởng là đã chấm dứt thì nay lại rộ lên ở một số nơi, có việc đã thành chuyện khôi hài: Nhà lá nhưng chính quyền bắt phải xây cổng bê tông, treo biển gia đình văn hóa để xã hoàn thành tiêu chí NTM, như chuyện đã xảy ra ở một tỉnh miền Nam vài năm trước.
Bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM cần được xem xét và đánh giá nghiêm túc. Xây dựng NTM là vì người dân hay vì những thay đổi thiếu tính bền vững, chạy theo phong trào. Bản chất thực sự của NTM là nâng cao mức sống người dân. NTM là phải có kết cấu hạ tầng tốt, cơ cấu kinh tế phù hợp, tổ chức sản xuất hợp lý, làm cho đời sống của người dân hạnh phúc hơn, dân chủ, bình đẳng xã hội tốt hơn, giữ vững bản sắc văn hóa, môi trường sạch hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tốt hơn. Nói cách khác, NTM phải là nông thôn giàu. Giàu cả vật chất lẫn tinh thần và phải giàu từ chính người nông dân.
Muốn vậy, phải tạo sự thay đổi cơ bản cách nghĩ, cách làm, thay đổi phương thức sản xuất của nông dân. Không thể cứ mãi “con trâu đi trước cái cày theo sau”, mà “NTM phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Đó phải là nông thôn của một thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, có tinh thần DN” - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu.
Mục tiêu 5 năm tới, 50% số xã trong cả nước đạt chuẩn NTM. Với khí thế đi đầu cả nước, Hà Nội phấn đấu có 80% số xã trở lên (tương đương khoảng 300 xã) và 15 huyện, thị xã trở lên đạt danh hiệu này, thu nhập của người dân nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên... Đây là cái đích không hề đơn giản khi yêu cầu của chương trình ngày càng đi và chiều sâu. Kinh nghiệm trong 5 năm qua sẽ là bài học quý giá để xây dựng NTM không là một phong trào, mà thực sự là một cuộc cách mạng mang lại nhiều lợi ích, thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, rút ngắn khoảng cách với đô thị, làm cho người dân nông thôn có cuộc sống ngày càng no ấm, hạnh phúc hơn.