Hà Nội: Địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015
Giai đoạn 2011 – 2015, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội gặp nhiều khó khăn: Thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường; diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm; trong chăn nuôi dịch bệnh luôn dình dập tái bùng phát; hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp, đê điều bị sạt lở ảnh hưởng đến an toàn công trình và đời sống nhân dân; tình hình suy giảm kinh tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Giai đoạn 2011 – 2015, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội gặp nhiều khó khăn: Thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường; diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm; trong chăn nuôi dịch bệnh luôn dình dập tái bùng phát; hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp, đê điều bị sạt lở ảnh hưởng đến an toàn công trình và đời sống nhân dân; tình hình suy giảm kinh tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các Bộ ngành Trung ương; của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn nên sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Thành phố  giai đoạn 2011 – 2015 đã đạt được kết quả tích cực, trong đó phải kể đến công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) – điều đáng tự hào của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Sau hơn 5 năm, bộ mặt nông thôn trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi ấn tượng, chất lượng cuộc sống đã được nâng lên rõ rệt, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng Nông thôn mới mang lại.

Tính đến năm 2015, số xã đạt chuẩn nông thôn mới201/386 , đạt 52,07% tổng số xã toàn Thành phố đạt vượt kế hoạch mục tiêu đề ra; 102 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí; 83 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí. Ngoài huyện Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Nội còn có 5 huyện gồm: Thanh Trì: 15/15 xã (đạt 100%), Hoài Đức: 17/19 xã (đạt 89,5%), Đông Anh: 21/23 xã (đạt 91,3%), Phúc Thọ: 17/22 xã (đạt 77,3%) và huyện Gia Lâm: 15/20 xã (đạt 75%) đủ điều kiện về tỷ lệ phần trăm số xã theo quy định để trình Trung ương xét, công nhận huyệt đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định Thành phố đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công nhận 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới để Thành phố trình Trung ương công nhận trong năm.

Toàn Thành phố đã đầu tư xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền là 23.573 tỷ đồng (ngân sách Thành phố là 10.166 tỷ đồng; ngân sách huyện 13.407 tỷ đồng). Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn vốn khác) là 10.892 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng cho vay để đầu tư khu vực nông thôn đạt dư nợ bình quân trên 73.000 tỷ đồng/năm.

Trong những năm qua, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện nhựa hóa, bê tông hoá,... bảo đảm đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hoá đạt 100%. Trong đó 94,6% đã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 22,7%  so với năm 2011 (71,9%); Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn được bê tông hoá đạt 95%. Trong đó 87,4% đã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 25,9%  so với năm 2011 (61,5%); Tỷ lệ đường ngõ xóm được cứng hoá đạt 91%. Trong đó 86,5% đã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 32,2%  so với  năm 2011 (54,3%); Tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hoá đạt 50%. Trong đó 40,5% đã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 29,7% so với năm 2011 (10,8%). Kết quả đến hết năm 2015 có 290/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về giao thông.

Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, Ban Chỉ đạo Thành phố đã chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, Thành phố có tổng số 1465 trạm bơm do xã quản lý, số trạm bơm hoạt động tốt đạt 45% (năm 2015); xây mới 1.837,9 km kênh mương cấp 3, đưa tỷ lệ số km đạt chuẩn từ 6,42% (năm 2011) lên 32,6% (năm 2015). Đến nay, đã có 256/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thủy lợi.

100% các hộ dân được sử dụng điện thường xuyên và an toàn từ các nguồn điện. Các huyện, thị xã đã cải tạo, nâng cấp và xây mới 809 trạm biến áp; cải tạo 1.371 km đường dây hạ thế. Đến nay, đã có 355 xã đạt tiêu chí về điện. 100% các xã đã có điểm bưu điện, đến nay đã có 350 xã đạt tiêu chí về Bưu điện.

Đã tập trung cải tạo, nâng cấp và xây mới 225 trường mầm non, mẫu giáo; 152 trường tiểu học; 135 trường Trung học cơ sở đạt chuẩn, đến nay đã có 158 xã đạt tiêu chí về Trường học; Đã cải tạo, nâng cấp và xây mới 76 chợ đạt chuẩn, đến nay đã có 128 xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn; Thành phố đã tập trung nâng cấp, cải tạo, xây mới được 19 nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn; 437 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tuy nhiên đến nay mới có 58 xã đạt tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa.

Đã hỗ trợ 11.260 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng, với kinh phí hỗ trợ là 239.865 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3.296 nhà ở hộ chính sách người có công, với kinh phí 99,967 tỷ đồng. Đến nay có 303 xã đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư. So với năm 2010, hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ, bộ mặt nông thôn được đổi thay, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt đi lại và sản xuất của nhân dân.

Đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 76.891,67/76.281,57 ha (đạt 100,8%) do có 8 huyện có diện tích dồn điền, đổi thửa vượt 2.485,43 ha so với kế hoạch Thành phố giao, cụ thể ở các huyện: Sóc Sơn (965,34 ha), Ba Vì (770,34 ha), Phú Xuyên (357,19 ha), thị xã Sơn Tây (146,12 ha), Thường Tín (89,37 ha), Thạch Thất (71,60 ha), Thanh Oai (63,12 ha) và huyện Phúc Thọ (22,46 ha), tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Từ hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới. Cơ giới hóa đã và đang được các xã, HTX và cá nhân đầu tư ở một số khâu chính như: làm đất, gieo cấy và thu hoạch, tiêu biểu như hầu hết các xã thuộc huyện Phú Xuyên và một số xã ở các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ, Đông Anh… Mỗi hộ gia đình trước dồn điền, đổi thửa có 7-15 ô, thửa, thậm chí 27-39 ô, thửa như ở Sóc Sơn, Chương Mỹ... đến nay chủ yếu chỉ còn 1-2 ô, thửa, rất thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm đỡ ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu nên hầu hết người dân nông thôn của Hà Nội rất phấn khởi tin tưởng hơn vào chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14,0 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 33 triệu đồng/người/năm (năm 2015) vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% (năm 2011) xuống còn  dưới 1,5% (năm 2015); tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có 35,5% được sử dụng nước sạch, chưa đạt mục tiêu đề ra (50%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Hệ thống các thiết chế văn hóa, cơ sở giáo dục khu vực nông thôn tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và hưởng thụ văn hóa của nhân dân; tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội ở nhiều nơi có tiến bộ rõ rệt theo hướng tiết kiệm, văn minh.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, mặc dù gặp nhiều khó khăn song Thành phố vẫn luôn ưu tiên, quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực cho xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ từ Thành phố đến cơ sở đã nỗ lực tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì thế, nhiều việc tưởng chừng rất khó như dồn điền, đổi thửa, thì đã đạt kết quả rất cao đồng thời xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh lợi ích riêng vì dân, vì nước hiến đất, mở đường, đóng góp tiền của; Bên cạnh đó, có nhiều địa phương cán bộ cùng người dân kiên trì, bền bỉ, tổ chức họp đi họp lại hàng trăm lần để người dân được bàn thảo một cách kỹ lưỡng và thống nhất cách làm. Những khâu quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được nhân dân đồng thuận cao, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch và tính chất người dân là chủ thể của chương trình xây dựng NTM. Điều đáng mừng nhất ghi nhận được trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 là chính quyền và nhân dân thành phố đã đạt được sự đồng thuận cao. Thành phố Hà Nội đã tích cực ban hành cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ chương trình sản xuất nông nghiệp; chương trình hỗ trợ vốn, giống kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; nỗ lực huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Với những kết quả trên, Thành phố Hà Nội tự hào là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả phong trào xây dựng NTM với 213/401 xã đạt chuẩn (đạt 53,12%), nếu không tính huyện Từ Liêm có 201/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 52,07%) vượt kế hoạch đề ra đến năm 2015 là 12,07%. Trước khi xây dựng NTM, bình quân mỗi xã chỉ đạt và cơ bản đạt 7 tiêu chí; đến nay bình quân mỗi xã đạt và cơ bản đạt 16,9 tiêu chí. Đây là kết quả đáng phấn khởi, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Năm 2015 thành phố Hà Nội là một trong 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào xây dựng NTM; nhân dân và cán bộ của 56 xã và 17 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố dẫn đầu phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Một trong những quan điểm phát triển giai đoạn 2016-2020 là phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, tăng hiệu suất sử dụng đất và tăng năng suất lao động nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân và mục tiêu là phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, giai đoạn 5 năm tiếp theo (2016-2020), toàn thành phố Hà Nội phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn NTM trở lên, 100% số huyện, thị xã đạt NTM đến hết năm 2020. Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70-75%; thu nhập dân cư khu vực nông thôn đạt từ 40-45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% (theo cách tính tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 – 2020); 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; 90-95% rác thải khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn gồm: hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, thông tin liên lạc, cơ sở văn hoá thể thao... theo chuẩn nông thôn mới. Đầu tư xây dựng hệ thống, đê, kè, thuỷ lợi bảo đảm tưới tiêu và an toàn trong phòng chống lụt, bão, úng. Xây dựng cảnh quan nông thôn sạch, đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường.

 

Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần có sự chỉ đạo sát sao, sự tham gia, tạo điều kiện của tất cả các Bộ, ban, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là sự chung tay góp sức của người dân nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp Hà Nội phù hơp với định hướng chung và nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3548
Tổng lượng truy cập: 28255973