Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg về chương trình công tác năm 2016 của BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhằm phấn đấu đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 25% số xã đạt chuẩn NTM; có 30-35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm từ 1-1,2 tiêu chí so với năm 2015; tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống 250 xã.
Ban chỉ đạo đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm năm 2016:
Tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng cơ bản trên địa bàn xã, thôn (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi), hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; Từng bước tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; Giữ vững an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng trên địa bàn nông thôn; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, kiện toàn BCĐ và bộ máy tham mưu, giúp việc các cấp theo hướng chuyên nghiệp và tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.
Trên cơ sở 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, các địa phương chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc về sản xuất và cải thiện đời sống của người dân trên từng địa bàn để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt, trong đó, ưu tiên chỉ đạo và hướng dẫn các xã dưới 05 tiêu chí và xã khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM;
Hoàn thiện thủ tục phê duyệt, hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và triển khai hiệu quả Kế hoạch năm 2016;
Điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí xây dựng NTM cấp xã và cấp huyện;
Hoàn thiện cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn, theo đó, rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả. Xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho các xã khó khăn; chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; chính sách bảo vệ môi trường nông thôn; cơ chế đầu tư đặc thù rút gọn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; cơ chế hoạt động của quỹ xây dựng NTM;
Đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở mỗi địa phương gắn với phát triển làng nghề, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động; phổ biến và nhân rộng phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, khôi phục các làng nghề truyền thống bị mai một gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch homstay.
Tập trung chỉ đạo cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, trong đó, tập trung xử lý vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Khắc phục ô nhiễm ở các làng nghề, áp dụng công nghệ xử lý tiến bộ và các hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện từng địa phương để xử lý hiệu quả rác thải, nước thải, làm đẹp cảnh quan các công trình công cộng. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý rác thải và nước thải nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã làng nghề, hợp tác xã dịch vụ cộng đồng về vệ sinh môi trường tại nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa NTM, giữ vững an ninh, trật tự nông thôn: Tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khu dân cư; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc phân bổ, và sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình ở các địa phương; kiểm tra, đánh giá quy trình xem xét công nhận các xã đạt chuẩn NTM ở các địa phương và việc thực hiện nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn…
Cùng với đó, tăng cường thu hút các nguồn lực cho chương trình: Yêu cầu các Bộ, ngành xem xét, huy động tăng nguồn lực để cân đối, bố trí thực hiện Chương trình; các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của Chính phủ và chủ động lồng ghép nguồn vốn của các chương trình khác; các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng; thực hiện các hình thức đối tác công tư, huy động các nguồn lực từ xã hội, các doanh nghiệp đóng góp vào sự nghiệp xây dựng NTM.
Ngoài ra, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, tuyên truyền, khen thưởng kịp thời và xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Chương trình; Chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá các mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo cũng như kịp thời uốn nắn những biểu hiện sai lệch chạy theo thành tích trong quá trình thực hiện chương trình.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng NTM; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực của các nước và tổ chức quốc tế khác cho thực hiện Chương trình.
Hoàng Mai