Kết luận cuộc tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, tọa đàm là một hoạt động rất có ý nghĩa, nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy nói chung, công tác phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng, đặc biệt nhằm tìm ra giải pháp đồng bộ, khả thi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, bền vững; cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, sau 5 năm thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Chương trình 02 của Thành ủy đã đạt được những kết quả nổi bật, rõ nét: Kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; chính trị, xã hội được giữ vững ổn định.
Đặc biệt là, công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là một việc lớn, khó khăn phức tạp. Từ năm 2012, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xác định công tác DĐĐT là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân; tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nên những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Do có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là tích cực tuyên truyền, đến nay, toàn thành phố đã thực hiện DĐĐT được trên 100% kế hoạch (76.540,66/76.281,57 ha). Sau DĐĐT nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao ra đời, như: Mô hình hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai với giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, thậm chí đạt gần 2 tỷ/ha/năm… Diện tích đất dôi dư sau DĐĐT (1.773,78 ha) tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.
Về phát triển sản xuất nông nghiệp, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 1,75%/năm, đạt mục tiêu của Chương trình đề ra. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp (giá thực tế) năm 2014 đạt 231 triệu đồng/ha (đã đạt mục tiêu Chương trình đề ra vào cuối năm 2015).
Thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhiều dự án đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân được triển khai thực hiện. Các công trình thủy lợi, đê điều, kè chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đáy, sông Bùi, sông Nhuệ… đều được đầu tư cải tạo nâng cấp.
Đến nay, toàn Thành phố có 166/386 xã đạt chuẩn NTM (bằng 43%), dự kiến sẽ có 179/386 xã đạt chuẩn quốc gia NTM (bằng 46,4%), vượt kế hoạch đề ra. Huyện Đan Phượng đã được Hội đồng Thi đua Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015. Đồng thời, có thêm 3 huyện là Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức về cơ bản đã đủ tiêu chí đạt chuẩn NTM. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14,0 triệu đồng năm 2011 lên 28,6 triệu đồng năm 2014 (vượt 3,6 triệu đồng so với mục tiêu chương trình đề ra năm 2015).
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp sau DĐĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó là: Việc quy hoạch NTM, đặc biệt là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng chuyển đổi của các xã vùng bãi; việc chậm công bố quy hoạch đê điều gây ảnh hưởng đến quy hoạch NTM của các địa phương, trong đó có quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ sau DĐĐT chậm; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013.
Việc áp dụng chính sách ở cơ sở còn khó khăn như hỗ trợ cơ giới hóa, cơ sở giết mổ; điều kiện, mức hỗ trợ đối với một số loại giống cây trồng, vật nuôi trong Nghị quyết số 25 của HĐND Thành phố; thời gian phân bổ vốn hỗ trợ; chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn gặp khó khăn.
Chậm ban hành các quy trình, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau DĐĐT; các tiêu chí cụ thể về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; việc xây dựng chuỗi liên kết; vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; việc kiện toàn các HTX nông nghiệp cung cấp dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất.
Việc bố trí kinh phí thực hiện đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng cho các địa phương đã hoàn thành DĐĐT và tiếp tục bố trí kinh phí cho việc cứng hóa hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng để phục vụ sản xuất còn chậm và thiếu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, coi trọng đối thoại trực tiếp, lắng nghe nguyện vọng và giải đáp thắc mắc, cùng với người dân bàn bạc, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM.
Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM đảm bảo chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và tập quán sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô lớn và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm tính liên kết vùng, thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương và các quy hoạch chuyên ngành khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã trong tình hình mới. Phát huy thế mạnh của Thủ đô, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác của cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành quốc gia, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng cao trong sản xuất nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả canh tác. Phối hợp với các Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể về xử lý mặt bằng xây dựng các công trình theo tiêu chí NTM; tháo gỡ khó khăn trong đấu giá đất, xử lý đất xen kẹt trong vùng phân lũ.
Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí xây dựng NTM, trọng tâm là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật dùng chung vùng sản xuất nông sản hàng hóa; các công trình nước sạch, hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải; thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp đào tạo nghề gắn với giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề dân sinh bức xúc từ cơ sở. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống các trường học, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, các thiết chế văn hóa phù hợp với từng địa bàn.