Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái
Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm có tỷ trọng ngành nông nghiệp ở mức cao trong cơ cấu kinh tế nên BCH Đảng bộ xã đã thường xuyên quan tâm tới các giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tăng trưởng và phát triển. Xã đã phấn đấu phát huy mọi tiềm năng, nội lực của địa phương để phát triển kinh tế toàn diện, đi đôi với bảo vệ môi trường, nhằm phát triển bền vững.

 Là một xã nông nghiệp, nhân dân chủ yếu sản xuất rau, màu, phát triển chăn nuôi là chính và một bộ phận lao động phát triển kinh doanh dịch vụ và lao động hợp đồng…nên việc phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn xã Văn Đức gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh tác động ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


Điều trăn trở của lãnh đạo và nhân dân Văn Đức là việc phát triển chăn nuôi với số lượng lớn trên địa bàn dân cư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh phòng dịch và môi trường. Hiện, xã có quy mô chăn nuôi hàng năm từ 1.400 - 1.500 con bò, đàn lợn nái khoảng 1.300 con, lợn thịt từ 8.000 - 9.000 con. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện chương trình công tác toàn khóa về “phát triển kinh tế toàn diện, vững chắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015”, BCH Đảng bộ xã Văn Đức đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Xã đã xác định mục tiêu phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung xa khu dân cư, theo vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ sinh học mới vào trong sản xuất và chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học để khử mùi và tăng cường hiệu quả xử lý nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chuồng trại đảm bảo kỹ thuật, thoáng mát về mùa hè, ấm khi mùa đông. Đồng thời, vận động nhân dân thực hiện xây dựng hệ thống cống, mương, máng thoát nước thải có hố ga, có nắp đậy từ trong gia đình…đến từng thôn, xóm đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ; Tiếp tục vận động nhân dân đầu tư xây dựng bể khí sinh học Biogas để xử lý trước khi xả thải ra bên ngoài, làm ảnh hưởng đến công tác vệ sinh phòng dịch và môi trường.

Trên cơ sở các mục tiêu và giải pháp trên, BCH Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các chi bộ trực thuộc, chính quyền, MTTQ và các tổ chức ban ngành, đoàn thể cũng như HTX dịch vụ nông nghiệp phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, đẩy mạnh quán triệt tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện, ứng dụng rộng rãi các loại chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sử dụng các chế phẩm sinh học trong chế biến thức ăn chăn nuôi giúp giảm giá thành sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi,góp phần quan trọng  để tiếp tục phát triển chăn nuôi, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong 5 năm qua, xã đã tổ chức 78 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ mới, hội nghị hội thảo, dạy nghề cho 3.240 lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản... gắn liền với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nhằm phát triển bền vững.

Thông qua việc tập huấn khoa học kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật công nghệ, nhận thức của nhân dân từng bước được nâng cao…một số hộ gia đình trước đây nuôi số lượng lớn trong địa bàn dân cư, đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, trong vùng quy hoạch. Đến nay, đã có 13 trang trại chăn nuôi phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế cao…Tiêu biểu là mô hình trang trại của gia đình ông Trần Văn Huy, đội 12, thôn Chử Xá với diện tích khoảng 5.372m2 quy mô 250 con lợn nái và khoảng trên 800 con lợn thịt thương phẩm. Trang trại của ông Đinh Văn Quý, thôn Sơn Hồ với diện tích khoảng 1.542m2 có quy mô 100 con lợn nái và khoảng trên 500 con lợn thịt thương phẩm; trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Lượng, đội 4, thôn Trung Quan với diện tích khoảng 3.720m2 với quy mô 15 con lợn nái và khoảng trên 100 con lợn thịt thương phẩm.

Bên cạnh việc di dời chuồng trại của những hộ chăn nuôi với số lượng lớn ra xa khu dân cư, thì việc đầu tư xây dựng hệ thống mương máng thoát nước thải, bể khí biogas cũng được nhân dân coi trọng. Đến nay, trên địa bàn dân cư đã xây dựng hơn 600 bể khí biogas, đồng thời với việc ứng dụng các chế phẩm sinh học EM để tăng cường hiệu quả vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường, khử mùi hôi, khử trùng, giảm các chất độc hại và ruồi muỗi trong môi trường. Trong 5 năm qua, nhân dân đã tự nguyện đóng góp hơn 3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống mương nước thải, đầu tư xây dựng hầm biogas…Chính vì vậy, hiện nay, 95% đường làng, ngõ xóm đã được đầu tư bê tông hóa và kèm theo hệ thống thoát nước thải ngầm có hố ga và nắp đậy đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Qua 5 năm tập trung triển khai thực hiện định hướng “Phát triển chăn nuôi ở địa phương gắn với bảo vệ môi trường sinh thái”, kinh tế và an sinh xã hội xã Văn Đức đã có những tiến bộ vượt bậc. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định. Công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có dịch bệnh phát sinh. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng trung bình đạt 11,12%/năm. Năm 2014, thu nhập bình quân đạt 26.952.000 đồng/người, vượt chỉ tiêu đại hội đề ra. Trong đó, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 25,8%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, BCH Đảng bộ xã Văn Đức nhận thấy một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục: Việc lập các dự án phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại xa khu dân cư gặp rất nhiều khó khăn bởi giới hạn diện tích đất, nguồn gốc đất và quy hoạch vùng thoát lũ sông Hồng. Thứ hai, việc quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc khử trùng tiêu độc cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư của các cấp, các ngành còn hạn chế. Vì vậy, xã Văn Đức sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng mô hình trang trại tập trung, khuyến khích nhân dân di dời việc chăn nuôi ra khỏi địa bàn dân cư. Từ đó, góp phần thiết thực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
Hoàng Ngân
HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 15634
Tổng lượng truy cập: 28255973