Huyện Thanh Oai luôn chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, theo định hướng sản xuất hàng hóa. Huyện đã tập trung xây dựng, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển đổi các mô hình canh tác và đẩy mạnh dồn điền đổi thửa gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng năng suất và giá trị cao. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 1.785 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 1,71%/năm. Đồng thời, huyện đã tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất, đã đưa hơn 1.000 tấn giống lúa mới có chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất đại trà. Trong 5 năm, đã đầu tư khuyến nông, hỗ trợ 50% giá lúa giống, 50% giá trị máy nông nghiệp cho các HTX Nông nghiệp, hộ nông dân và xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng với tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng. Tích cực chuyển đổi mô hình canh tác, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã thực hiện 1.256 ha: cây ăn quả 324 ha, rau an toàn 150 ha, nuôi thủy sản và lúa, cá 720 ha... giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định; triển khai 1.215 ha lúa chất lượng cao, nhiều sản phẩm giá trị cao như nếp cái hoa vàng ở Tam Hưng, gạo Bồ Nâu ở Thanh Văn, quả có múi ở Cao Viên, Kim An đã và đang phát triển vững chắc. Bình quân giá trị canh tác trên 1ha đất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) đạt 215,3 triệu đồng/năm. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm \"Gạo Bồ Nâu\", \"Cam đường Kim An\", \"Giò chả, bánh chưng Tân Ước\"...
Chăn nuôi tập trung xa khu dân cư có diện tích 52ha tập trung ở các xã:Tân Ước, Kim Thư, Thanh Mai, Tam Hưng, Đỗ Động, Hồng Dương.... Giá trị chăn nuôi bình quân 5 năm ước đạt 861,4 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 48,26% cơ cấu ngành nông nghiệp. Toàn huyện có 24 HTX (20 HTX dịch vụ nông nghiệp, 4 HTX chăn nuôi và thủy sản), trong đó 6 HTX loại tốt, khá 15, trung bình 3, cơ bản các xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất.
Bên cạnh đó, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với những giải pháp quyết liệt, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh phong trào \"Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới\", nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tự nguyện tích cực tham gia. Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng giá trị trên 1.500 tỷ đồng. Đến nay, 3 xã Hồng Dương, Cao Dương, Dân Hòa đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã đạt và cơ bản đạt trên 10 tiêu chí, năm 2015 phấn đấu có thêm 4 - 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bộ mặt nông thôn khang trang đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Đặc biệt, trong 2 năm 2012-2013, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) gắn với quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Toàn huyện đã dồn điền đổi thửa 5.165 ha đạt 101,7% kế hoạch, đến nay, mỗi hộ còn 1-2 thửa, vận động nhân dân hiến gần 80 ha đất để mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và đào đắp 2.602.363m3 đạt 126% kế hoạch. Từng bước hình thành vùng sản xuất lớn chuyên canh tập trung, chất lượng hiệu quả cao và đưa cơ giới vào làm dịch vụ, giảm chi phí sản xuất.
Phát huy tốt lợi thế của huyện ngoại thành, huyện Thanh Oai tiếp tục chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất chuyên canh tập trung, cung cấp nông sản chất lượng cao cho khu vực nội đô và huyện. Tập trung đầu tư hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm nông nghiệp sạch, tiếp tục đổi mới giống lúa có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao (chiếm 85% diện tích). Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 260 triệu đồng/ha/năm. Xây dựng một số mô hình cánh đồng mẫu lớn tập trung sản xuất chuyên canh như: lúa hàng hóa chất lượng cao và lúa đặc sản (nếp cái hoa vàng, gạo Bồ Nâu…) diện tích 2.000ha tập trung ở các xã ven sông Nhuệ; đẩy mạnh trồng cây đậu tương đông ở các xã: Tam Hưng, Cao Dương, Xuân Dương, Hồng Dương, Tân Ước, Đỗ Động, Liên Châu; trồng khoai lang, khoai tây đông ở các xã: Thanh Văn, Phương Trung, Bình Minh, Thanh Cao, Cao Viên, Tam Hưng; mở rộng diện tích rau an toàn khoảng 350 ha và cây ăn quả, trồng hoa, cây cảnh tập trung ở các xã ven sông Đáy và các xã, thị trấn ven quốc lộ 21B. Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đẩy mạnh đưa cơ giới vào sản xuất, có cơ chế hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, gắn với mở rộng thị trường. Phấn đấu giá trị chăn nuôi thủy sản đạt 60% trong ngành nông nghiệp.
Tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM theo quy hoạch và đề án của huyện và xã, trọng tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, các công trình nước sạch, hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, cơ sở vật chất trường học, y tế, nhà văn hóa, hoạt động TDTT, quy hoạch xây dựng, chỉnh trang các nghĩa trang nhân dân. Vận động, hướng dẫn các hộ gia đình phát triển kinh tế nâng cao đời sống, chỉnh trang nhà ở, tích cực đóng góp tiền, vật tư, ngày công lao động, hiến đất mở rộng đường, xây dựng đường thôn, xóm và các công trình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp.