Huyện Gia Lâm: Chuyển biến bước đầu trong xây dựng nông thôn mới
Là một huyện còn nhiều khó khăn, Gia Lâm đã xác định, lựa chọn cho mình những lĩnh vực kinh tế được xem là ưu thế với bước đi, cách làm linh hoạt cụ thể. Hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, khơi dậy nguồn nội lực, tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới.

 

\"\"
Sau dồn điền, đổi thửa, huyện Gia Lâm đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Xuất phát điểm không cao trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, xã Yên Viên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Có được thành quả này là sự nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn của cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân nơi đây. Toàn xã có 100ha đất nông nghiệp, trong đó 50ha đất trồng lúa, 30ha trồng rau màu. So với các xã khu vực ngoại thành, diện tích đất nông nghiệp của Yên Viên không phải là nhiều, người dân vẫn nặng tập quán canh tác cũ. Hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp nên thu nhập của người dân bấp bênh. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Yên Viên nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là khâu đột phá.

Được sự hỗ trợ của huyện Gia Lâm, năm 2011, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Yên Viên vận động xã viên đưa vào trồng hơn 20ha rau ngắn ngày, chủ yếu là rau gia vị, rau cải các loại... theo quy trình VietGap. Theo tính toán của HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên, giá trị thu nhập trồng rau cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa, điền đó thôi thúc xã viên chuyển đổi mở rộng diện tích trồng rau. Đến nay, toàn xã có hơn 30ha chuyên trồng rau theo quy trình VietGap, thu hút 700 lao động địa phương tham gia. Tính bình quân, mỗi ha cho thu nhập 400-700 triệu đồng tuỳ từng loại rau.  

Qua tìm hiểu, ở Gia Lâm, từ lợi thế riêng, mỗi địa phương chọn cho mình hướng đi riêng trong chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi. Xã Đông Dư là một ví dụ. Nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân nơi đây đã mạnh dạn đưa vào trồng các loại rau. Hiện, toàn xã có 30/138 chuyên canh rau, trong đó có hơn 20ha trồng rau gia vị gồm mùi tàu, ngổ, hành, răm, tía tô, kinh giới; hơn 10ha trồng ngô, dưa chuột bao tử, mướp đắng... Ngoài ra, 100 ao hồ cũng được các hộ nuôi trồng thuỷ sản. Diện tích còn lại 108ha được các hộ trồng cây ổi bốn mùa. Có hộ gia đình trồng 3 sào rau gia vị như mùi tài, ngổ, tía tô, kinh giới..., sau khi trừ chi phí cho thu lãi vài chục triệu đồng, cao gấp 50 lần so với trồng lúa. Điều đó đã khích lệ người dân địa phương yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế vườn đồng, kinh tế trang trại theo hướng an toàn, bền vững.

Tập trung cho xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, diện mạo nông thôn mới của huyện Gia Lâm đã có nhiều đổi thay. Một điều ai cũng thấy rõ, người dân nơi đây đều nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới là cho chính bản thân mình và quê hương thêm giàu đẹp. Chính vì vậy, nguồn lực lớn từ sức dân và các nguồn huy động, hỗ trợ của thành phố, huyện, xã để đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, làm bộ mặt nông thôn Gia Lâm nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Nhiều nhóm tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao như: Giao thông nông thôn đạt 79,28%; trường chuẩn đạt 60,6%; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của bộ văn hóa là 84,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,4 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với bình quân chung toàn thành phố 1,4 triệu đồng. Đến nay, huyện Gia Lâm có 2 xã là Đa Tốn và Yên Viên được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trên 70% số xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên; không còn xã dưới 10 tiêu chí...

Phát huy kết quả đạt được, Gia Lâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm phát triển nông nghiệp bằng việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, như các vùng chuyên canh rau, cây cảnh, hoa, cây ăn quả... Nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới cũng đang được tiếp thu và chuyển giao nhanh vào sản xuất, chủ yếu tập trung vào các khâu then chốt của sản xuất nông nghiệp, như sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đưa cơ giới hoá vào sản xuất; các khâu canh tác, chế biến, bảo quản nông sản hàng hóa... Cùng với sản xuất trồng trọt, tại các vùng quê, lĩnh vực chăn nuôi ở các trang trại và hộ gia đình cũng đang được khuyến khích tạo điều kiện phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô trang trại và gia trại xa khu dân cư, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa hơn nữa phục vụ tiêu dùng tại thị trường Hà Nội. Trong xây dựng nông thôn mới, huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện hiệu quả công tác quản lý quy hoạch; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là đối với các xã hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới trong năm 2014...

6 tháng đầu năm 2014, toàn huyện Gia Lâm đã gieo trồng được 3.973,1ha cây trồng các loại đạt 99,3% kế hoạch, trong đó: Diện tích lúa là 2.474,1ha, năng suất trung bình đạt 57,2 ta/ha; diện tích ngô và rau màu các loại là 1.499 ha. Về chăn nuôi, thủy sản, tổng đàn gia cầm ước đạt 245.528 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 453ha, sản lượng ước đạt 900 tấn. 


HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 133
Tổng lượng truy cập: 28282390