Sau 6 năm thực hiện nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều tiến bộ cả về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi với việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao trình độ thâm canh; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Trong phát triển nông nghiệp đã duy trì và phát triển các vùng sản xuất tập trung, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt và thuỷ sản năm 2013 đạt 123,2 triệu đồng tăng 33,2 triệu so với năm 2008; Trong trồng trọt đã hình thành, duy trì được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung với diện tích gieo cấy trung bình 1.200 ha/năm. Tích cực đầu tư cơ giới trong sản xuất, đến nay, 100% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn huyện thực hiện cơ giới hoá làm đất, 20 - 30% diện tích sản xuất lúa thực hiện cơ giới hoá khâu thu hoạch, phun thuốc bảo vệ thực vật. Phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại 2 xã Yên Mỹ, Duyên Hà. Diện tích trồng rau các loại đạt trên 1000 ha/năm, tăng 360 ha so với năm 2008, trong đó 140,8 ha sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tăng 105,3 ha so với năm 2008.
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Trì được công nhận 6 xã đạt nông thôn mới (Đại Áng, Đông Mỹ, Tân Triều, Tứ Hiệp, Ngọc Hồi và Ngũ Hiệp. Cơ sở hạ tầng được chú trọng, đầu tư có hiệu quả từ nhiều nguồn lực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng khang trang, đổi mới: đã cơ bản hình thành hệ thống hạ tầng, giao thông khung của huyện và các trục đường liên xã; 100% số xã trên địa bàn có hệ thống điện đạt chuẩn và được đầu tư hệ thống chiếu sáng nông thôn tại các đường trục thôn, xóm; 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 41 trường học (chiếm 86%) đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia; hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 bể bơi phòng chống đuối nước cho học sinh; hầu hết các thôn trên địa bàn có nhà văn hoá thôn để nhân dân tham gia sinh hoạt cộng đồng; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh trong đó số hộ được dùng nước sạch đô thị đạt tỷ lệ 40%.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các Nghị quyết. Đồng thời, rà soát chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng mạnh các hình thức hợp tác liên doanh, liên kết; đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, tăng mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.